Anh Phạm Văn Chiến (SN 1975) và chị Phạm Thị Lâm (SN 1976) ở thôn Cao Xuân, xã Ngọc Khê có hai người con trai là Phạm Văn Thắng (SN 1995) và Phạm Văn Thảo (SN 1998). Cả gia đình anh Chiến sống trong căn nhà mái ngói, phên, tường bằng đất, đời sống phụ thuộc vào 2 sào ruộng lúa và mấy sào ruộng vườn trồng ngô.
Hai con của anh Chiến đều nghỉ học sớm, đi làm thuê nay đây, mai đó. Sau đợt Tết âm lịch 2014, gia đình anh quyết định cho Thắng, Thảo đi làm phu vàng tại tỉnh Quảng Nam với mức lương mà người giới thiệu công việc đưa ra là 4 triệu đồng/tháng.
Chấp nhận rủi ro
Khoảng 3-4 năm trở lại đây, ở xã Ngọc Khê, số người, số lượt người bỏ quê đi đào, đãi vàng thuê ở khắp nơi gia tăng. Ông Phạm Văn Ánh, Bí thư chi bộ thôn Cao Xuân, nói: “Qua tìm hiểu, tôi được biết, phần lớn những người đi khai thác vàng cho các chủ hầm, bãi ở tỉnh Quảng Nam đều được một người môi giới ở địa phương lân cận đưa đi. Người này tên P.V.A, ở thôn Mỏ, xã Mỹ Tân, huyện Ngọc Lặc”. Ông A. tìm gặp những lao động ở địa phương trao đổi về nhu cầu cần người đi đào, đãi vàng thuê.
Nếu ai có nhu cầu đi làm công việc này, với mức lương mà ông A. đưa ra thì sẽ được ông A. và phía chủ bãi, hầm đào vàng thuê xe đón, đưa vào tận chỗ làm”. “Hình thức đi làm kiểu này đang rất phổ biến ở địa phương. Ngoài thống nhất miệng với nhau về mức lương, công việc mà lao động phải làm thì không có một thỏa thuận, cam kết nào khác.
Chính cách “tuyển” lao động và cách đi làm kiểu này gây khó khăn cho chính quyền địa phương. Chỉ khi xảy ra chuyện, thì mọi người mới biết là ai trong làng, trong xã đi đâu, làm gì. Nếu xảy ra rủi ro cho người lao động thì gia đình cũng chẳng biết kêu ai”, ông Ánh nói.
Anh Nguyễn Ngọc Tiến- Bí thư Tỉnh Đoàn Thanh Hóa, cho biết, Tỉnh Đoàn đang phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các địa phương để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tư vấn cho lao động, đặc biệt là lao động tuổi thanh niên không đi khai thác vàng trái phép, mà học nghề, làm các công việc phù hợp.
Qua kiểm tra bước đầu, phần lớn phu vàng là thanh niên, nghỉ học sớm. Anh Bùi Văn Tùng, Bí thư Đoàn xã Ngọc Khê, cho biết: “Toàn xã có khoảng 1.000 ĐVTN thì có 575 ĐVTN ở tại địa phương, số còn lại đi làm ăn xa. Trong số ĐVTN đi làm ăn xa, có một số lượng không nhỏ đi làm phu vàng”.
Có gia đình cả bố và con đều là phu vàng, như gia đình ông Phạm Văn Thỏa (SN 1958) ở thôn Cao Xuân, xã Ngọc Khê. Ông Thỏa làm phu vàng đã 2 năm nay, con trai của ông là Phạm Văn Chiến (SN 1997) đi 2 đợt (mỗi đợt từ 3-6 tháng). Chiến là một trong số những người vừa phải bỏ trốn khỏi hầm đào vàng.
“Ngoài số lao động đi đào, đãi vàng thuê ở các tỉnh trong nước, thì ở thôn Cao Xuân có tới hàng chục người làm các thủ tục giấy tờ visa, hộ chiếu sang tận nước Lào, Campuchia để làm công việc đào, đãi vàng. Những người này cứ đi một thời gian lại về. Có người mang tiền về sửa sang được nhà cửa, mua sắm xe máy. Lại có người, có chuyến đi thì có tiền, có chuyến thì chẳng có đồng nào mang về”, ông Ánh cho biết.
Nhịn đói băng rừng trốn cai vàng
Trốn khỏi hầm đào vàng, trở về nhà đã được hơn 10 ngày, nhưng Phạm Văn Thảo còn chưa hết lo bị các chủ hầm truy đuổi.
Thảo kể, tháng 2, em và nhiều người khác ở xã và các địa phương lân cận được đưa đến đào, đãi vàng cho một người ở xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Tuy nhiên, làm cực đến tháng chưa có tiền công, Thảo và nhiều người xin nghỉ, sau đó gặp một người đưa sang làm cho một chủ hầm đào vàng khác ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
Làm được 9 ngày, phát hiện ông chủ có biểu hiện nghiện, rồi công việc làm trong hầm rất nguy hiểm, nên họ xin nghỉ. Nhưng ông chủ dọa nếu nghỉ sẽ cho người đuổi, đánh.
Ngày 27/3, chờ lúc không có ai nhìn thấy, Thảo và Chiến bỏ chạy vào rừng, băng qua đồi để trốn, tìm xe khách của người quen để trở về quê. Ngay trong chiều 27/3, tám người khác trong nhóm của Thảo, Chiến cũng bỏ trốn khỏi hầm đào, đãi vàng. Trong đó, có Phạm Văn Hảo (17 tuổi) và Phạm Văn Cường (19 tuổi) được người dân báo gọi cơ quan chức năng giúp đỡ, nhằm tránh sự truy đuổi của phía chủ hầm đào vàng. Số còn lại đã ra khỏi Quảng Nam và đã liên lạc được với gia đình.
Ngoài số lao động ở xã Ngọc Khê trốn về, còn có nhiều lao động khác ở xã này và các xã khác như Mỹ Tân, Ngọc Sơn… của huyện Ngọc Lặc đang mưu sinh với nghiệp phu vàng ở khắp nơi với những rủi ro luôn cận kề.
Mang tệ nạn về quê
Theo ông Đỗ Thế Khoa, Trưởng thôn Minh Lâm, xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, toàn thôn có 124 hộ/554 nhân khẩu, số lao động bỏ quê đi làm vàng trái phép có tới hơn 100, chủ yếu là thanh thiếu niên.
Đất ruộng ít, không tay nghề, không vốn…, nhiều người ở Minh Lâm vẫn phải bỏ xứ đi làm vàng để có thu nhập trung bình 6 triệu đồng/tháng.
Vấn đề bức xúc hiện nay ở thôn Minh Lâm là tình trạng nghiện hút ma túy. Theo thống kê, gần 50 người bị nghiện, phần lớn là phu vàng trở về.
Năm 2009, tại thôn Minh Lâm có 8 người chết (trong đó có một em 16 tuổi và một phụ nữ) do đang khai thác vàng ở bãi vàng trái phép tỉnh Quảng Nam thì bị sập hầm.