Bộ Xây dựng ra thông tư mới: Doanh nghiệp nói cần thiết, nhưng…

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thông tư 10 của Bộ Xây dựng về "Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng" vừa ban hành sắp có hiệu lực từ ngày 16/12 tới. Doanh nghiệp cho rằng, thông tư ban hành là cần thiết nhưng thời gian áp dụng quá gấp, chưa đủ thời gian chuẩn bị.

Cần thiết, nhưng...

Ông Lê Nam Hải - Chủ tịch Phân Hội - Hiệp Hội Gốm sứ Việt Nam - cho biết, Thông tư 10 được ban hành là cần thiết và được các doanh nghiệp hoan nghênh, nhiều quốc gia như Thái Lan, Mỹ hay các nước châu Âu đều áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt tương tự. Việc thiếu các quy định cụ thể trước đây khiến thị trường Việt Nam dễ bị "xâm chiếm" bởi hàng hóa chất lượng kém, giá rẻ, gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Khi thông tư có hiệu lực, hàng hóa nhập khẩu sẽ phải vượt qua quy trình kiểm định khắt khe, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng trước khi đến tay người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm đã qua kiểm duyệt. Về lâu dài, việc kiểm soát chất lượng vật liệu xây dựng sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp nội địa cải tiến sản phẩm, khẳng định vị thế trên thị trường.

Mặc dù đánh giá cao tính cần thiết của thông tư, các doanh nghiệp nhập khẩu vật liệu xây dựng lại gặp phải rất nhiều khó khăn do thời gian áp dụng gấp gáp. Chỉ với hơn 3 tuần chuẩn bị kể từ khi ban hành đến khi có hiệu lực, doanh nghiệp cho rằng, họ không đủ thời gian để triển khai quy trình chứng nhận theo thông tư.

Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, quy trình này bao gồm các bước như: Đăng ký hồ sơ, lập kế hoạch đánh giá, kiểm định tại nhà máy sản xuất nước ngoài, lấy mẫu, vận chuyển mẫu về Việt Nam và chờ kết quả đánh giá. Các công đoạn đòi hỏi nhiều thời gian, nhân lực và đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chứng nhận được chỉ định. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể hay danh sách các đơn vị đủ điều kiện thực hiện chứng nhận, khiến doanh nghiệp lúng túng và khó lựa chọn.

Bộ Xây dựng ra thông tư mới: Doanh nghiệp nói cần thiết, nhưng… ảnh 1

Doanh nghiệp nhập khẩu vật liệu xây dựng kiến nghị lùi thời hạn có hiệu lực Thông tư 10.

Ông Lê Nam Hải cũng cho rằng, các doanh nghiệp trong nước hiện có rất nhiều công hàng đang trên đường về Việt Nam, nếu Thông tư có hiệu lực ngay từ 16/12/2024 thì hàng sẽ khó có thể kịp thông quan, gây ách tắc tại cảng, khiến doanh nghiệp chịu thiệt hại lớn từ chi phí lưu công, lưu bãi. Vì vậy, Bộ Xây dựng nên xem xét gia hạn thời gian hiệu lực để các doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị.

Chấn chỉnh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng

Trao đổi với PV Tiền Phong, Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng - cho biết, mục đích chính của thông tư là quy định về quản lý chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng trong 5 quá trình hoạt động. Từ đó, sàng lọc các sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng chất lượng tốt; chấn chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, sinh hoạt của người dân.

Theo ông Thành, hiện, các ý kiến đề xuất lùi thời hạn thực hiện thông tư chủ yếu là các doanh nghiệp nhập khẩu vật liệu xây dựng, còn các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, kinh doanh lưu thông trên thị trường và sử dụng vật liệu xây dựng không có đề xuất lùi thời hạn thực hiện Thông tư.

Trong quá trình xây dựng thông tư, dự thảo đã được lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp về vật liệu xây dựng, đăng tải 60 ngày trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Xây dựng và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Bộ Xây dựng đã không nhận được ý kiến nào về thời hạn áp dụng thông tư.

"Thông tư 10 đã được ký ban hành và phổ biến rộng rãi từ ngày 1/11/2024. Theo đó, có 45 ngày trước khi Thông tư có hiệu lực (16/12/2024) để các doanh nghiệp nghiên cứu, thực hiện các điều khoản chuyển tiếp. Như vậy, các doanh nghiệp nhập khẩu vật liệu xây dựng hoàn toàn có đủ thời gian để sử dụng các Giấy chứng nhận hợp quy còn thời hạn hoặc chuẩn bị các lô hàng hoàn thành thủ tục xuất khẩu tại các nước xong trước ngày 16/12/2024, sau đó vận chuyển hàng hoá về các cửa khẩu nước ta thậm chí sau một vài tháng vẫn được áp dụng theo các quy định trước đây", ông Thành nói.

Ông Thành khẳng định, đề xuất lùi thời hạn thực hiện thông tư là không đủ cơ sở, việc triển khai Thông tư 10 đúng thời hạn sẽ giúp thị trường vật liệu xây dựng được ổn định, người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng chất lượng tốt hơn và cũng như sớm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Ngày 1/11/2024, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BXD về "Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng", có hiệu lực thi hành từ ngày 16/12/2024. Đối tượng áp dụng gồm: các cơ quan quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu và sử dụng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng, các tổ chức đánh giá sự phù hợp và tổ chức giám định tư pháp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.

Trong "Danh mục sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng có khả năng gây mất an toàn nhóm 2 phụ lục II" quy định các sản phẩm số 9, từ số 21 đến số 31 bắt buộc phải kiểm tra trước thông quan theo phương thức 5 thì mới được phép nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Sang năm, Kiên Giang sẽ có 100.000 ha lúa chất lượng cao
Sang năm, Kiên Giang sẽ có 100.000 ha lúa chất lượng cao
TPO - Tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu, đến năm 2025 triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt 100.000 ha, tăng lên gấp đôi đạt 200.000ha vào năm 2030.