Trước ý kiến cho rằng nên tăng mức lãi cho doanh nghiệp từ 10% hiện nay lên 15% khi sửa luật để hấp dẫn các nhà đầu tư, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian tới, các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội sẽ được quan tâm với rất nhiều ưu đãi về thuế, quỹ đất… Tuy nhiên, nếu tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội sẽ khiến nâng giá bán nhà ở cho người thu nhập thấp.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, tăng lợi nhuận định mức từ 10% lên 15% cho các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội vô hình chung khiến giá bán nhà ở xã hội tăng lên và làm khó khăn hơn cho người thu nhập thấp. |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, pháp luật hiện nay đã quy định rất rõ các hình thức đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội; trong đó có cả hình thức Nhà nước đầu tư và huy động các nguồn lực thông qua huy động sự tham gia của các doanh nghiệp và các hình thức đầu tư khác.
Hiện các dự án nhà ở xã hội chủ yếu là huy động doanh nghiệp đầu tư, nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà, bởi lợi nhuận mỏng, khó tiếp cận tín dụng cũng như quỹ đất.
Trước đây việc dành quỹ đất cho phát triển, đầu tư nhà ở xã hội chủ yếu là thực hiện trên quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại. Hiện nay, việc sửa đổi Luật Nhà ở được thực hiện theo hướng sẽ giao cho UBND các địa phương dành đủ quỹ đất theo chương trình phát triển nhà ở.
Về vấn đề ưu đãi cho chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong giai đoạn vừa qua cũng đã có một số quy định rất rõ, như: quy định về tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế thu nhập, hỗ trợ vay vốn đầu tư. Thời gian tới, khi sửa Luật Nhà ở 2014, Chính phủ cũng đang trình Quốc hội theo hướng “có sự hỗ trợ tích cực hơn” cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
"Trong đó tiếp tục hỗ trợ miễn tiền sử dụng đất, có hỗ trợ liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, được hưởng lợi nhuận là 10%, cũng như là được dành 20% diện tích đất để có thể đầu tư các khu thương mại, dịch vụ, để phục vụ cho cư dân trong các khu đô thị mà chủ đầu tư đã làm. Được các địa phương sẽ hỗ trợ để đầu tư các hạ tầng kỹ thuật hạ tầng xã hội trong khu dự án nhà xã hội của mình", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh thông tin.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng cho biết, trong quá trình sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, một vấn đề quan trọng là lợi nhuận cho doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội cũng được đưa ra bàn thảo kỹ. Có nhiều ý kiến cho rằng tại sao không nâng lợi nhuận lên 15% để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhưng Ban soạn thảo vẫn giữ nguyên mức lợi nhuận 10%:
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, nếu chúng ta tăng lợi nhuận từ 10% lên 15%, vô hình chung chúng ta cũng lại nâng giá bán nhà cho người thu nhập thấp và làm khó khăn hơn cho người thu nhập thấp.
"Hầu hết các doanh nghiệp cũng cho ý kiến rằng là với những chính sách ưu đãi như hiện nay, lợi nhuận 10% cũng rất là đồng tình rồi. Quan trọng doanh nghiệp đang cần là vấn đề là cải cách các thủ tục hành chính. Các địa phương phải tích cực vào cuộc, làm sao giải quyết nhanh thì như vậy sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư, sự tham gia của các doanh nghiệp vào hoạt động đầu được tốt hơn...", Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.
Doanh nghiệp kiến nghị tăng lợi nhuận làm nhà ở xã hội lên 15%
Trước đó liên quan đến việc phát triển nhà ở xã hội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, nhận được loạt kiến nghị của doanh nghiệp. Trong đó, nhóm kiến nghị về ưu đãi về chính sách, cụ thể về thuế VAT, doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan nhà nước nghiên cứu vẫn giữ ở mức 5%.
Về lợi nhuận làm nhà ở xã hội, doanh nghiệp kiến nghị cần tăng lên 15% hoặc thưởng theo thực tế thành tích phát triển nhà ở xã hội hoặc hình thức tương đương để bù đắp chi phí, tạo động lực cho các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư, phát triển phân khúc nhà ở xã hội. Về việc tạo lập quỹ đất, doanh nghiệp muốn chính quyền địa phương giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất sạch để đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần làm rõ cơ chế để giải quyết giá trị mà các nhà đầu tư đã bỏ tiền ra mua đất thương mại và chuyển sang làm nhà ở xã hội.
Liên quan đến quy trình, thủ tục hành chính, đầu tư dự án, chủ trương quy hoạch, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng theo phương châm đơn giản hóa thủ tục và cần có Nghị định do Chính phủ và Thông tư hướng dẫn do các bộ ngành liên quan thông qua, chính quyền địa phương vào cuộc mạnh mẽ trong từng khâu giải quyết thủ tục.