Bỏ việc, đi đâu?

0:00 / 0:00
0:00
TP - 16.000 giáo viên bỏ việc kể từ đầu năm 2022 đến nay, là con số gây “sốc” được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa đưa ra, tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 30/9 ở quận Hà Đông (Hà Nội).

Tính ra cứ 100 thầy cô giáo thì có 1 người buộc phải rời bỏ bục giảng. Mà chỉ mới tính con số của 9 tháng. Làn sóng bỏ việc (nhà nước) hiện đang nóng, với nhiều ngành, từ trí thức, cán bộ, viên chức, tới công nhân. Hơn một năm qua, đã có 10.000 y bác sĩ rời bỏ các cơ sở y tế công lập, điều chưa bao giờ thấy. Ngay đến cán bộ cấp lãnh đạo, như Bộ trưởng Tài chính vừa phải kêu lên, rằng “Một số anh em xin thôi việc, kể cả vụ phó, trưởng phòng cũng xin nghỉ. Tôi phải gặp, động viên suốt”.

Trong làn sóng ấy, xót xa nhất vẫn là sự mong manh, bất an của đội ngũ y bác sĩ và giáo viên. Khi hai ngành nghề ấy vốn là trụ cột nâng đỡ chất lượng sống cũng như đem đến văn hóa, văn minh cho mọi xã hội, mọi thời đại, bất kể thể chế nào.

Có những ý kiến, cho rằng bác sĩ chuyển từ công sang tư thì đi đâu mà thiệt, vẫn ở quốc gia mình, nhân dân vẫn được hưởng, đâu có cháy máu chất xám. Đúng vậy, có thể không chảy máu chất xám, nhưng lại chảy máu ngân sách, và chảy máu chính sách. Bởi lâu nay ngân sách nhà nước, tức thuế dân bỏ ra góp phần đào tạo bác sĩ, giáo viên là rất lớn. Chưa kể biết bao nhiêu khóa đào tạo nâng cao, từ trong nước đến nước ngoài. Tiền của dân chi ra là để phục vụ nhân dân. Nhưng đến giờ này, bao nhiêu phần trăm nhân dân có đủ sức khám chữa bệnh viện tư, cho con em học trường tư?

Đó là lý do vì sao cơ sở y tế công lập nhiều nơi đã xuống cấp, tinh thần phục vụ người bệnh kém, nhưng người dân vẫn phải chen nhau vào, chấp nhận hai, ba người nằm một giường. Đó là lý do vì sao ở Hà Nội một số nơi phụ huynh phải chen nhau bốc lá thăm may rủi để lấy chỗ học cho con. Nơi mà các đại gia chỉ biết chất chồng hàng ngàn căn hộ chung cư lên bất cứ chỗ đất nào còn trống, để bán thu lợi túi riêng, chứ đâu thèm nghĩ đến bệnh viện nào, trường học đâu cho hàng ngàn hàng vạn cư dân mới “nhảy dù” phá vỡ quy hoạch ấy? Mà giả sử họ có xây bệnh viện, trường học, tất nhiên là với viện phí, học phí trên trời, tiền đâu mà dân vào?

Mô hình bệnh viện tự chủ, một hình thức công tư kết hợp nhằm giảm bớt chi phí cho người dân, đến giờ xem như đã bế tắc. Khi cả 4 bệnh viện thí điểm mô hình này hiện đã “xin thôi”.

Trở lại với mười mấy ngàn thầy cô giáo bỏ việc trong mấy tháng qua, đại đa số bởi lý do cực chẳng đã. Họ sẽ sống tiếp bằng gì? Nếu y bác sĩ còn dễ được nhận vào các bệnh viện tư, hoặc về mở phòng mạch, thì việc mưu sinh sau khi bỏ trường với hầu hết giáo viên đầy cam go. Trường tư, trường quốc tế cánh cổng thường cao lắm. Còn mở trung tâm học thêm hay luyện thi, đa số các môn đâu ai có nhu cầu học thêm.

Làn sóng nhân sự ồ ạt rời các cơ sở công lập phần nào phản ánh đúng quy luật của kinh tế thị trường đang tiến tới cấp độ cao hiện nay tại Việt Nam. Nhưng quả thật, các chính sách can thiệp và điều dẫn dòng chảy ấy vẫn chệch choạc, thiếu hụt, và không theo kịp thực tế.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.