Bộ Văn hóa nói gì về đặt ga C9 cạnh hồ Gươm?

Phối cảnh nhà ga C9 dự kiến đặt cạnh hồ Gươm
Phối cảnh nhà ga C9 dự kiến đặt cạnh hồ Gươm
TPO - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiều lần yêu cầu UBND TP Hà Nội nghiên cứu phương án bố trí ga C9 cách xa bờ hồ Gươm. Tuy nhiên, TP Hà Nội trả lời về mặt kỹ thuật và an toàn vận hành thì không thể di chuyển vị trí nhà ga như yêu cầu.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản trả lời báo chí liên quan đến vị trí đặt ga ngầm C9 thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2. Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 và ga ngầm C9 nhằm đáp ứng yêu cầu về giao thông đô thị, phục vụ phát triển Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại.

Do đó, trong thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có một số văn bản ủng hộ chủ trương của UBND TP Hà Nội về việc quy hoạch ga ngầm C9, thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khu vực dự kiến xây dựng nhà ga là khu vực trọng yếu, gắn với truyền thuyết, lịch sử và văn hiến của Thủ đô Hà Nội, đồng thời là không gian có giá trị thẩm mỹ và cảnh quan cần được bảo tồn và có giải pháp xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

Vì vậy, tại các văn bản gửi UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều yêu cầu TP chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu thêm các phương án bố trí nhà ga, tịnh tiến thân ga về phía Đông đường Đinh Tiên Hoàng (cách xa bờ phía Đông của Hồ Hoàn Kiếm và nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn đã được xếp hạng từ 2013).

Trao đổi ngày 24/8, ông Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục di sản Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, UBND TP Hà Nội có Công văn số 2141 giải trình việc bố trí nhà ga và cho rằng, về mặt kỹ thuật cũng như an toàn vận hành thì không thể dịch chuyển vị trí nhà ga theo yêu cầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn đề nghị UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định vị trí của ga ngầm C9 theo quy định của pháp luật hiện hành về di sản văn hóa.

Nên “bẻ” ga C9 vào khu nhà EVN

Nhà sử học Dương Trung Quốc đồng tình với việc TP Hà Nội phát triển đường sắt đô thị và đồng tình xây dựng tuyến đường sắt số 2. “Nhưng ngay cả di sản thế giới, nếu những tác động hỗ trợ để phát triển di sản người ta cũng không cấm”, ông Dương Trung Quốc nói.

Tuy nhiên, phương án vị trí nhà ga C9 đặt tại khu vực hồ Gươm và vùng lân cận, ông Dương Trung Quốc cho rằng, nên tính toán lại. “Không gian đền Ngọc Sơn quá hẹp, trong khi công nghệ xây dựng của chúng ta người dân không tin vì xây nổi mà còn lủng ca lủng củng”, ông Trương Trung Quốc nói.

Ông Dương Trung Quốc băn khoăn không hiểu vì sao TP Hà Nội không mạnh dạn mở rộng nhà ga C9 sang phía đối diện vị trí hiện nay. Trong khi, tuyến tàu điện này là vì lợi ích công cộng, vì lợi ích chung.

“Hà Nội rất thiếu những quảng trường và không gian rộng, đường đi bộ quanh hồ Gươm rất tốt. Tại sao chúng ta không mạnh dạn để mở rộng, di chuyển bớt một số cơ quan ra khỏi khu vực đó đi”, ông Dương Trung Quốc nêu quan điểm.

Dưới góc độ quy hoach, kiến trúc sư Trần Trọng Hanh cho hay, ông nhiều lần đã phát biểu, vị trí đặt ga C9 không thích hợp. Theo ông Hanh vị trí đặt ga C9 nằm sát bên hồ Gươm, sẽ tác động trực tiếp đến hồ.

“Ở đây cảnh quan rất là đẹp, nếu đào bới xây dựng làm ga, lối ra, lối vào như thiết kế thì không thích hợp”, ông Hanh nói và cho rằng, phương án tốt nhất là ga đặt ngay tại vị trí tòa nhà EVN, thì sẽ thuận hơn.

Hầm nhà ga ngầm C9 cách chân Tháp Bút 8,2 m, cách gò đá chân Tháp một mét. Thân ga (dài 150 m, rộng 21,4 m, sâu 17,45 m, 3 tầng) nằm chính dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa hồ Hoàn Kiếm.

Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga tới hồ Hoàn Kiếm 10 m, tới tượng đài cảm tử 81 m, tới đền Bà Kiệu 83 m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120 m, tới Tháp Bút 36 m. Nhà ga có phần nằm trong khu vực bảo vệ 2 (khu vực bao quanh vùng lõi) của di tích quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.