Ngày 22/2/ Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ra Quyết định 126/QD-UBND, nhằm cập nhật, công bố cấp độ dịch và áp dụng Quy định tạm thời các biện pháp hành chính "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Quyết định có hiệu lực từ ngày 23/2/2022.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh này chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố hạn chế tổ chức các cuộc họp trực tiếp; các sự kiện không cần thiết. Riêng đối với các cuộc họp quan trọng, thật sự cần thiết, trước khi tổ chức phải tiến hành việc xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho các đại biểu tham dự và phải đảm bảo thực hiện nghiêm nguyên tắc "5K"; không được tổ chức dùng cơm, tiệc chiêu đãi sau cuộc họp.
Đáng chú ý, tại khoản 4 Điều 1 của Quyết định, UBND tỉnh Bạc Liêu quy định: "Kể từ 0 giờ ngày 23/2 cho đến khi có thông báo mới, người trên 18 tuổi nếu chưa tiêm vắc xin hoặc mới chỉ tiêm 1 liều vắc xin thì không được phép ra khỏi nhà/nơi cư trú, trừ trường hợp khẩn cấp liên quan đến sức khoẻ, tính mạng hoặc đi tiêm vắc xin”.
Sáng 24/2, trao đổi với PV Báo Tiền Phong về vấn đề này, ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật (Bộ Tư Pháp) cho hay, xét tính pháp lý tại khoản 4 Điều 1 Quyết định 126/QD-UBND của tỉnh Bạc Liêu, Cục nhận thấy quy định này không có cơ sở pháp lý, không phù hợp về thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh; cũng không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 và Điều 49 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Ông Huy giải thích, Luật không quy định cấm đi lại với người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin, Luật chỉ quy định việc hạn chế đi lại của người dân trong trường hợp người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly.
Ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật. |
Mặt khác, ông Huy cho rằng, khoản 4 Điều 1 của Quyết định số 162 cũng không phải là việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, cũng không phù hợp với nội dung Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.
Theo lãnh đạo Cục Kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật, đến thời điểm chiều 23/2, Cục ghi nhận UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành văn bản mới thay thế Quyết định số 126/QĐ-UBND. Các quy định không phù hợp đã được xử lý, những nội dung trong Quyết định chưa kịp phát sinh hiệu lực trong thực tiễn, chưa làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của cá nhân, công dân.
"UBND tỉnh Bạc Liêu sớm xem xét, ban hành văn bản mới để bãi bỏ nội dung không phù hợp là kịp thời và đáng ghi nhận", ông Huy nói.
Từ sự việc trên, ông Huy cho rằng, các địa phương ban hành văn bản để thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 là rất cần thiết, song cần bảo đảm tuân thủ các quy định về nội dung và thẩm quyền, trong đó đặc biệt lưu ý các vấn đề liên quan đến hạn chế quyền của công dân.
Liên quan đến Quyết định số 126/QĐ-UBND, chiều ngày 23/2, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, dịch Covid-19 bùng phát trở rất phức tạp, có nhiều cán bộ, viên chức trên địa bàn mắc Covid-19.
"Văn bản nói trên chủ yếu khuyến khích, tuyên truyền người dân nếu chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì hạn chế ra đường chứ chúng tôi không cấm hay áp dụng biện pháp hành chính xử phạt người dân”, ông Thiều cho hay.