Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, sau đó họ bàn bạc với hai ngoại trưởng của Ảrập Xêút và Thổ Nhĩ Kỳ. Chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy tiến triển nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài 4 năm ở Syria.
Chiến dịch không kích 3 tuần qua của Nga chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã ngăn chặn một đợt tấn công của lực lượng nổi dậy, mà một vài nhóm trong đó được Mỹ và đồng minh hậu thuẫn. Nga vẫn bác bỏ lời kêu gọi của phương Tây đòi ông Assad từ chức, nói rằng vị trí lãnh đạo Syria chỉ có thể do người Syria quyết định thông qua bầu cử. Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa tiếp đón ông Assad tại Mátxcơva.
Một số nhà ngoại giao và nhà phân tích cho rằng, Nga có thể tận dụng ảnh hưởng của ông Assad và sức mạnh quân sự của Nga trên bầu trời Syria để làm trung gian cho một thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột, Reuters đưa tin.
Phát biểu tại Berlin, ông Kerry hôm qua nói rằng, bản thân Tổng thống Assad là trở ngại chính trong việc giải quyết cuộc xung đột đã khiến khoảng 4 triệu người phải xin tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, Li-băng, Jordan và Iraq. “Có một điều chặn lối tiến nhanh đến việc đạt được thỏa thuận, và có một người mang tên Bashar al-Assad”, ông Kerry nói với báo giới trước khi hội đàm với Ngoại trưởng Đức Frank - Walter Steinmeier.
Phát biểu tại Mátxcơva, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov, hôm qua nói rằng, Nga coi ông Assad là yếu tố trung tâm của bất kỳ tiến triển nào, và việc thỏa thuận với ông Assad cũng quan trọng như việc phân loại các nhóm chính trị ở Syria hiện nay. “Phân biệt lực lượng đối lập ôn hòa với nhiều tổ chức khủng bố và cực đoan có vẻ không khả thi”, ông Peskov nói với các phóng viên tại Mátxcơva.
Ngoại trưởng Đức Steinmeier cho rằng, Mỹ và Nga vẫn quá khác nhau. “Chúng ta đều biết rằng, bước đầu tiên của việc tìm ra giải pháp chính trị là liệu Washington và Mátxcơva có tìm được cầu nối đến với nhau hay không”, ông Steinmeier nói. Ngoại trưởng Đức cũng nói rằng, những cuộc bàn bạc của ông trong tháng này ở Ảrập Xêút và Iran “chứng minh thêm hố ngăn cách giữa hai bên sâu như thế nào”, trong khi hai bên đang ủng hộ hai lực lượng đối lập nhau của cuộc xung đột. Với dòng Hồi giáo Shi’ite chiếm đa số, Iran hậu thuẫn ông Assad, trong khi Ảrập Xêút, nơi dòng Sunni thống trị, đang ủng hộ các lực lượng muốn lật đổ ông Assad.
Dòng chảy vũ khí và nhân lực IS
Một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu phương Đông thuộc Viện Khoa học Nga, ông Boris Dolgov, vừa nói rằng, việc tấn công IS để khôi phục hòa bình ở Syria là mục tiêu có thể đạt được về quân sự. “Các chính trị gia và giới quân sự ở Damascus gần đây nói với tôi rằng, vấn đề chính là sự ủng hộ từ bên ngoài về vũ khí và sức người cho IS vẫn tiếp tục chảy vào từ biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Giới quân sự nói rằng: “Hôm nay, chúng ta có thể loại bỏ 100 tay súng chỉ để thấy 100 kẻ khủng bố khác thế chân vào ngày mai”, ông Dolgov nói. Theo các chuyên gia về Syria, khoảng 70% vũ khí và tay súng vào Syria qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. “Con đường này bị chặn lại thì mọi thứ sẽ giống như ánh sáng cuối đường hầm”, ông Dolgov nhận định.
Đối với việc tái thiết hạ tầng và kinh tế Syria, trước tiên, các tổ chức tài chính quốc tế, rồi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có nghĩa vụ giúp Damascus, vì ở khía cạnh nào đó, họ đóng vai trò lớn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho sự trỗi dậy của các nhóm Hồi giáo vũ trang, hãng tin Nga Itar-Tass dẫn lời ông Dolgov.
Chuyên gia này dứt khoát bác bỏ đòi hỏi của Mỹ, EU và các quốc gia vùng Vịnh về việc lật đổ ông Assad. “85% người dân Syria sống trên lãnh thổ do quân đội chính phủ Syria kiểm soát, và đang phản công với sự hỗ trợ của lực lượng Nga từ trên không.
Trong số 24 triệu người Syria, 8 triệu người thuộc quân đội, lực lượng an ninh, cảnh sát và gia đình họ ủng hộ ông Assad. Ông ấy cũng được hàng triệu người tị nạn vô gia cư ủng hộ. Đòi hỏi một nhà lãnh đạo lên nắm quyền qua bầu cử theo đúng hiến pháp của Syria là điều vô nghĩa”, ông Dolgov nói.