Ván cờ phức tạp của Nga, Mỹ, Iran tại Syria

Nhóm chiến binh nổi dậy dùng cành cây để ngụy trang xe tăng ở phía bắc thành phố Aleppo. Ảnh: Reuters.
Nhóm chiến binh nổi dậy dùng cành cây để ngụy trang xe tăng ở phía bắc thành phố Aleppo. Ảnh: Reuters.
Mỹ, Nga và Iran đều muốn ngăn chặn và tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria, song điều đáng ngạc nhiên là Mỹ có ít lợi ích chiến lược nhất trong xung đột.

Nội chiến ở Syria bùng nổ từ năm 2011 và giờ đây nó vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Hành động can thiệp từ bên ngoài trong thời gian qua khó có thể thay đổi cục diện và thể hiện sức mạnh của bất kỳ phe nào một cách rõ rệt.

Những đợt không kích IS của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu không tạo ra sự thay đổi chiến lược do thiếu sự phối hợp của lực lượng dưới mặt đất. Việc Nga bất ngờ thực hiện chiến dịch quân sự nhằm giúp chính phủ Syria chỉ khiến tình hình trở nên khó lường hơn.

Tuy nhiên, giới quan sát cũng không thể nói sự can thiệp từ bên ngoài không quan trọng. Ngược lại, chiến dịch quân sự của Nga tại Syria đã biến nội chiến thành cuộc đối đầu địa chính trị giữa Nga và Mỹ.

Mọi người sẽ mắc sai lầm nếu chỉ quan tâm tới nguy cơ xung đột giữa hai cường quốc hạt nhân khi phân tích tình hình tại Syria, hay cố dự đoán diễn biến của xung đột qua góc nhìn đó. Thực tế, nhân tố quan trọng thứ ba đã xuất hiện trên "sân khấu" Syria. Đó là Iran.

Theo Business Insider, do quân đội yếu, Iran sử dụng tiền để theo đuổi các mục tiêu của họ ở Syria. Sau khi ký thỏa thuận hạt nhân lịch sử với phương Tây, giờ đây Iran tìm cách củng cố ảnh hưởng của họ ở Trung Đông.

Vì vậy, ngoài những phe phái tham gia nội chiến ở Syria, giới phân tích thấy ba thế lực bên ngoài có lợi ích trong xung đột. Sự tham gia của họ đã mở rộng không gian của hoạt động phân tích. Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và một số quốc gia khác cũng liên quan tới nội chiến ở Syria, song họ không thể đảm đương vai trò quan trọng nếu Mỹ không ủng hộ. 

Những lợi ích của tam giác Mỹ - Nga - Iran tại Syria khác nhau song cũng có điểm tương đồng. Mỹ là nước có lợi ích chiến lược ít nhất ở Syria. Mối quan tâm chính của Washington là tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Mỹ không quan tâm tới cục diện ở Syria sau khi chế độ của Bashar al- Assad sụp đổ. Có thể Syria sẽ tiếp tục là một quốc gia thống nhất, nhưng cũng có thể Syria sẽ phân tách thành nhiều phần, với một số khu vực không nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ trung ương (giống như Iraq, Afghanistan hay Libya).

Cả ba nước đều có mục tiêu chung: ngăn chặn và tiêu diệt IS. Mục tiêu ấy đồng nghĩa với việc một liên minh ba bên có thể ra đời về lý thuyết, mặc dù khả năng nó xảy ra rất thấp. Ngoài ra, liên minh song phương có thể hình thành và bên thứ ba sẽ trở thành đối thủ.

Mỹ chính là phe yếu nhất trong tam giác. Việc xây dựng liên minh chính trị với những nước mà nguyên tắc, giá trị và lợi ích rất khác biệt so với Mỹ là rất khó. Quan điểm của Mỹ đối với xung đột tại Syria khiến Washington không thể hợp tác với Nga. Mặc dù Washington muốn lật đổ Tổng thống Assad, Moscow lại coi việc phế truất một nhà lãnh đạo chính trị bằng nội chiến hay cách mạng là giải pháp không phù hợp với trật tự quốc tế.

Trong khi đó, Mỹ và Iran đã cắt đứt quan hệ ngoại giao trong 4 thập kỷ nên họ cần thời gian dài để hàn gắn quan hệ. Sự nghi ngờ sâu sắc giữa hai nước khiến họ không thể đối thoại để giải quyết tình hình tại Syria.

Nếu Syria vẫn thống nhất, rất có thể Iran sẽ không ngăn Mỹ phế Assad. Người kế nhiệm Assad có thể là một vị tướng có mối quan hệ tốt hơn với giới lãnh đạo Iran. Khi đó, khả năng Damascus liên minh chặt chẽ hơn với Tehran sẽ cao hơn.

Xét một cách tổng thể, có vẻ như liên minh Nga - Iran sẽ là thứ bền vững và tồn tại lâu. Mặc dù hai nước không tin tưởng hoàn toàn đối tác, họ vẫn có thể tìm đủ điểm tương đồng để trở thành đối tác thay vì đối thủ.

Moscow và Tehran có những lợi ích chiến lược khác nhau ở Syria, song không lợi ích nào của nước này xung đột với nước kia. Họ kết hợp lực lượng quân sự (bao gồm cả những nguồn lực từ Iraq, nước đang chịu ảnh hưởng của Iran) và nguồn lực tài chính đủ lớn để củng cố sự kiểm soát của Assad trên khắp đất nước, ngay cả khi họ không thể nghiền nát các lực lượng chống đối chính phủ. Dù không thể diệt IS, ít nhất họ cũng có thể giảm ảnh hưởng của chúng tại Syria và lãnh thổ mà chúng kiểm soát. 

Mặc dù Nga có nhiều lợi ích chiến lược ở Syria, Moscow không hề có ý định duy trì sự hiện diện quân sự ở Trung Đông mãi mãi. Tổng thống Putin coi Nga là cường quốc có vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Trung Đông, song Moscow không thể hỗ trợ kinh tế các nước ở đây và cũng không có quyền lực mềm để tạo ra những đồng minh lâu dài. Trên phương diện này, chúng ta có thể thấy điểm giới hạn trong lợi ích chiến lược của Nga: Moscow phải duy trì quan hệ tốt với chính phủ Syria để duy trì căn cứ hải quân ở Tartus và giữ vai trò nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Syria.

Chẳng mục tiêu nào của Nga không xung đột với lợi ích của Iran. Liên minh Nga – Iran sẽ khuyến khích Tehran mua thêm khí tài từ Nga. Trong khi đó, có thể Điện Kremlin sẽ chấp nhận việc Tehran giữ Syria trong phạm vi ảnh hưởng của họ - một xu hướng để giải quyết các vấn đề khu vực mà Putin hiểu rất rõ. Hơn nữa, “lá chắn của người Hồi giáo Shiite tại Iran, Syria, Iraq” có thể bảo vệ Nga trước sự ủng hộ của người Hồi giáo Sunni đối với phiến quân ở vùng Bắc Caucasus.

Quan hệ liên minh với Nga có thể biến Iran trở thành nước chi phối Trung Đông. Không chỉ sở hữu nguồn dầu mỏ và khí đốt khổng lồ, liên minh Nga – Iran có thể dẫn tới sự ra đời của nhiều tuyến đường mới, giúp Iran vận chuyển hàng hóa một cách ổn định qua Biển Địa Trung Hải (qua Iraq, Syria và Lebanon) và qua biên giới với Israel. Sự hình thành của những tuyến vận tải mới sẽ thay đổi tình thế chiến lược ở Trung Đông.

Mỹ không thể ngăn chặn viễn cảnh Nga và Iran liên minh bằng vũ lực, trừ khi họ thay đổi chính sách. Rất ít nhà phân tích tin Washington sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự quy mô lớn ở Syria (với số lượng binh sĩ lên tới 100.000), bởi quyết định ấy có thể dẫn tới chiến tranh hạt nhân với Nga. Một liên minh Nga – Iran (và cả Iraq) sẽ tạo điều kiện để quân đội Syria mở rộng sự kiểm soát của họ trên lãnh thổ, giáng một đòn mạnh vào liên minh phương Tây và cuộc chiến chống IS của họ.

Hiện tại Nhà Trắng không thực hiện bất kỳ hành động mạnh nào ở Syria. Có lẽ họ muốn để Nga tự nếm trái đắng của chính sách do Moscow theo đuổi. Rất có thể Nga sẽ sớm rơi vào tình thế mà Liên Xô từng gặp ở Afghanistan: Phiến quân sẽ sử dụng tên lửa đất đối không hạng nhẹ để chống máy bay của Nga. Nếu viễn cảnh ấy xảy ra, giá của chiến dịch quân sự do Nga thực hiện tại Syria sẽ tăng vọt.

Song việc đó sẽ không thay đổi những lợi ích chiến lược của Nga hay Iran tại Syria. Tương tự, chính sách “tọa quan sơn hổ đấu” của Mỹ sẽ chẳng giúp họ tạo nên những lợi ích và mục tiêu chiến lược rõ ràng ở Syria. Đương nhiên, kiến tạo chiến lược để đạt một mục tiêu mà bạn không có là việc bất khả thi.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG