Bộ trưởng Tài chính mong các tỉnh, thành giàu 'hết sức thông cảm'

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh Như Ý
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh Như Ý
TPO - “Rất mong các tỉnh, thành phố giàu hết sức thông cảm, bởi ngân sách còn lo cho 47 tỉnh nghèo nữa. Hiện nay có những tỉnh nghèo, đoàn ĐBQH vẫn chưa có xe ô tô, lãnh đạo tỉnh vẫn đi xe rất cũ”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc bày tỏ.

1 triệu tỉ đồng đưa vào nền kinh tế

Chiều 9/11, phát biểu giải trình làm rõ tại phiên thảo luận ở Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, nhiệm vụ thu chi ngân sách năm 2021 hoàn thành, thu ngân sách vượt dự toán đề ra, chi ngân sách bảo đảm bám sát dự toán, bội chi bảo đảm theo chỉ tiêu 4% Quốc hội đặt ra. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành một loạt chính sách tài khoá để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân cũng như phòng chống dịch bệnh với tổng số tiền khoảng 200.000 tỉ đồng.

Về nợ công, Bộ trưởng cho biết, dư địa không còn nhiều. Vì giai đoạn 2021-2025, dự kiến vay mức vay gấp 1,7 lần so với giai đoạn trước. Nợ công năm 2025 gấp 1,6 lần so với 2020, tương đương khoảng 46,5% GDP mới, còn tính theo GDP cũ là 57,9%, tức đã vượt ngưỡng 55%. Theo cách tính cũ, nợ Chính phủ cũng vượt ngưỡng 45%.

“Tuy nhiên, chúng tôi rất ủng hộ các gói kích cầu để thúc đẩy kinh tế phát triển, sau đó quay trở lại thu ngân sách và tăng bội chi trong năm nay. Sang năm thì giảm bội chi trong các năm sau. Như vậy trong cả giai đoạn chúng ta vẫn bảo đảm mục tiêu đặt ra”, người đứng đầu ngành tài chính cho biết.

Bộ trưởng Phớc cũng cho biết, đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu hỗ trợ lãi suất, mỗi năm khoảng 20.000 tỉ đồng, hai năm khoảng 40.000 tỉ đồng. “Như vậy nếu hỗ trợ 4%, chúng ta sẽ có 1 triệu tỉ ném vào nền kinh tế, sau đó tạo việc làm, thúc đẩy sản lượng và thu lại, giảm bội chi ngân sách vào thời kỳ sau”, ông Phớc cho hay.

Đề cập đến tỷ lệ điều tiết cho một số địa phương, theo Bộ trưởng, với TP.HCM, giai đoạn 2017- 2021, tỷ lệ điều tiết là 18%, tổng chi ngân sách hơn 60.300 tỉ đồng, tức bình quân 7,1 triệu đồng/người. Đến 2021, tổng chi hơn 69.000 tỉ đồng, tức bình quân 7,4 triệu đồng/người. Đến năm 2022, dự kiến xây dựng hơn 84.000 tỉ đồng, tức bình quân 8,8 triệu đồng/người.

Đối với Đồng Nai, năm 2017, chi ngân sách hơn 17.400 tỉ đồng, đến 2021 lên hơn 19.700 tỉ đồng, và đến năm 2022 dự kiến hơn 21.200 tỉ đồng. Cũng tại địa phương này, Nhà nước đang đầu tư Sân bay Long Thành với 109.000 tỉ đồng và một số hạ tầng đã được quyết trong kế hoạch đầu tư công hơn 11.000 tỉ đồng.

“Rất mong các tỉnh, thành phố giàu hết sức thông cảm, bởi ngân sách còn lo cho 47 tỉnh nghèo nữa. Hiện nay có những tỉnh nghèo, đoàn ĐBQH vẫn chưa có xe ô tô, lãnh đạo tỉnh vẫn đi xe cũ, cơ sở hạ tầng rất thấp kém, nhiều nơi chưa có điện, chưa có trường trạm”, ông Phớc cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng, việc tăng dự toán thu dầu thô không thực hiện được, bởi sản lượng thực tế hàng năm, từ 2016-2020 giảm bình quân 1,45 triệu tấn/năm, tương ứng 11%. Sản lượng khai thác các mỏ hiện tại suy giảm tự nhiên do giếng dầu cạn và rủi ro kỹ thuật cao, địa chất cao, rất khó để tăng sản lượng.

Bộ trưởng Tài chính mong các tỉnh, thành giàu 'hết sức thông cảm' ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh Như Ý

Xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh

Báo cáo giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tập trung tham mưu cho cấp có thẩm quyền chỉ đạo xây dựng Quy hoạch điện VIII (đến 2030) với những nguyên tắc cơ bản là, cố gắng bảo đảm cân đối: cung cầu; vùng - miền; cơ cấu các nguồn điện; cơ cấu nguồn và truyền tải; huy động được mọi nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển điện.

Đặc biệt, ông Diên nhấn mạnh đến giải pháp chú trọng xây dựng thị trường phát điện và thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Trong đó, thị trường phát điện cạnh tranh được triển khai từ khá sớm. Đến nay có gần 70% nguồn điện do tư nhân hoặc công ty cổ phần sản xuất.

Với thị trường bán buôn điện cạnh tranh cũng đã được vận hành từ đầu năm 2019, và đến nay EVN không còn là đơn vị duy nhất mua bán điện mà có thêm 5 Tổng công ty điện lực trực tiếp tham gia mua điện trên thị trường. Theo ông Diên, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp các cơ quan hữu quan xây dựng Đề án trình Thường trực Chính phủ chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện hạch toán độc lập trong EVN theo chỉ đạo của Chính phủ.

"Bộ đang khẩn trương xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Trong đó việc triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà máy điện và khách hàng sử dụng điện chính là bước đầu tiên trong thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh ở nước ta. Bộ đã trình Chính phủ cho phép thí điểm thực hiện cơ chế này từ nay đến năm 2025", Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.