Bệnh sợ trách nhiệm âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ

0:00 / 0:00
0:00
Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công. Ảnh: Quốc hội
Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Hoàng Anh Công cho rằng, nỗi lo sợ bị kỷ luật, sợ bị xử lý bằng pháp luật "bằng cách nào đó đã trở thành nỗi sợ phổ biến trong cán bộ, công chức".

Tiếp tục phiên thảo luận về kinh tế xã hội và công tác phòng chống dịch Covid-19 chiều nay (9/11), Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công dành toàn bộ thời gian phát biểu của mình để nhắc đến một dịch bệnh khác đã xuất hiện từ lâu, âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ các cấp và len lỏi trong mỗi người, gây nguy cơ cho sự phát triển đất nước. Đó là bệnh sợ trách nhiệm.

"Vì nguyên nhân gì mà nhiều cán bộ trong đó có cả người đứng đầu các đơn vị lại sợ trách nhiệm?”, ông Công đặt câu hỏi.

Theo ông, có những người khi thực thi nhiệm vụ, dù biết là đúng căn cứ, đúng quy định pháp luật nhưng vẫn sợ và không dám quyết định các vấn đề, chỉ vì để đảm bảo an toàn cho bản thân.

Đại biểu cho rằng, nỗi lo sợ bị kỷ luật, sợ bị xử lý bằng pháp luật "bằng cách nào đó đã trở thành nỗi sợ phổ biến trong cán bộ, công chức". Nhất là trong đợt phòng chống dịch vừa qua, có tình trạng nhiều địa phương sợ mua sắm máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế do sợ bị kỷ luật, xử lý hành chính.

"Dù Chính phủ đã ban hành quy định về thích ứng an toàn nhưng có địa phương vẫn áp dụng biện pháp ngăn sông cấm chợ, áp dụng biện pháp kỹ thuật ngăn chặn, hạn chế giao thương, giao lưu hàng hóa, nhằm tránh phát sinh F0, bởi sợ rằng nếu để dịch bệnh bùng phát thì ảnh hưởng đến công tác và có thể bị phê bình, kỷ luật", ông Công bày tỏ.

Ông nhận định, lĩnh vực đầu tư công cũng bị ảnh hưởng lớn bởi căn bệnh này. Đa số công trình trọng điểm đều chậm tiến độ, đội vốn. Tốc độ giải ngân tại các địa phương, bộ ngành rất thấp dù Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp khắc phục.

Ông chỉ ra căn bệnh trên xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là sự mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định của pháp luật đã đẩy cán bộ, công chức thực thi công vụ vào tâm trạng lo lắng, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám quyết định.

Tác động tiêu cực của hiện tượng này là có một bộ phận không nhỏ cán bộ không năng động, không vì lợi ích chung, dĩ hòa vi quý, thấy đúng không dám làm, thấy sai không dám đấu tranh, vô cảm với nhân dân. Người năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đấu tranh đôi khi lại bị xử lý.

Vì vậy, để kịp thời khắc phục tình trạng này, tháng 9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành quyết định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung.

Theo đó, khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp.

Trường hợp cán bộ thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

Để sớm đưa chủ trương này vào cuộc sống, ông Công cho rằng, cần phải thể chế hóa bằng các quy định pháp luật. Nếu không luật hóa thì sẽ không bảo vệ được người dám nghĩ, dám làm mà có thể dẫn đến trù dập, oan sai.

Vì vậy Quốc hội, Chính phủ cần rà soát các văn bản pháp luật đề xuất sửa đổi, khắc phục mâu thuẫn chồng chéo. Đây là nhiệm vụ cần thực hiện sớm.

Tham nhũng khiến nguồn nhân lực tinh hoa trở thành mối nguy

Trong phiên thảo luận sáng nay, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) băn khoăn khi chất lượng nguồn nhân lực vì còn nhiều hạn chế, trong khi đây là giải pháp ứng phó quan trọng với dịch bệnh, hồi phục kinh tế sau đại dịch.

Bệnh sợ trách nhiệm âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ ảnh 1
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: Quốc hội

Bà nhận xét, dịch Covid-19 đã khiến chúng ta yếu về chất lượng nay lại yếu về số lượng. Do lực lượng lao động dịch chuyển về nông thôn, rời bỏ các đô thị, KCN, để hồi phục kinh tế sau đại dịch.

Bà đề nghị Chính phủ cần quan tâm đầu tư nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng.

Việc chú trọng nguồn nhân lực theo nữ đại biểu phải theo cả hướng nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, có tính đón đầu xu hướng. Còn đối với nhân lực đang có thì cần tăng cường bồi dưỡng, tạo cơ hội tiếp cận khoa học công nghệ, giữ chân nhân lực chất lượng cao, hạn chế chảy máu chất xám.

Nhắc đến "chảy máu chất xám", bà Nga cho biết đây là thực trạng đáng buồn xảy ra trong thời gian dài, không chỉ đối diện với nguồn nhân lực từ Việt Nam "chảy ra" nước ngoài mà đối với khu vực công, việc giữ chân người có tài, có tầm rất khó.

Trước thực tế này, nữ ĐB cho rằng giải pháp quan trọng vẫn là cải cách tiền lương.

"Tuy nhiên việc cải cách tiền lương trong những năm qua vẫn còn tương đối rụt rè”, bà Nga nói. Cải cách tiền lương không chỉ là việc chi từ nguồn ngân sách ít ỏi ra để tăng thêm lương cho người lao động mà phải coi đây là khoản đầu tư vào nhân tố quan trọng nhất trong quá trình phát triển nhanh, lành mạnh bền vững kinh tế xã hội.

Bà Nga cho biết, đây cũng là giải pháp phòng ngừa tham nhũng, bảo toàn nguồn nhân lực trước gánh nặng mưu sinh. Tham nhũng khiến nguồn nhân lực chất lượng cao, tinh hoa đất nước trở thành mối nguy. Không đóng góp mà còn gây thiệt hại nặng nề, theo đại biểu Nga.

Theo bà Nga, thiệt hại của tham nhũng khó phục hồi được trong một thời gian ngắn, đó là sự giảm sút lòng tin của người dân, của nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đầu tư ở Việt Nam.

Thách thức cạnh tranh nguồn nhân lực luôn là tất yếu khi phát triển kinh tế xã hội, muốn thu hút là phải trả cho người lao động mức thu nhập xứng đáng. Bên cạnh đó phải xây dựng môi trường lao động văn minh công bằng, thanh lọc nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực cao.

Theo Hương Quỳnh - Trần Thường/Báo Vietnamnet
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.