Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Giáo viên không phải là thợ dạy

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu sáng 17/4
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu sáng 17/4
TPO - Sáng ngày 17/4, phát biểu tại hội nghị đảm bảo an ninh, an toàn trường học phòng, chống bạo lực học đường với sự tham gia của gần 20.000 giáo viên, cán bộ quản lý trên toàn quốc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, giáo viên phải được đào tạo trở thành những nhà giáo dục chứ không phải là thợ dạy, hết giờ là về.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, thời gian qua, đã có nhiều văn bản ban hành quy định việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những sự việc bạo lực học đường xảy ra và có xu hướng lan rộng. Để dẫn đến tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân đặc điểm lứa tuổi, tác động mạnh mẽ của mạng xã hội và các tác động khác từ môi trường gia đình, xã hội.

Quan điểm của Bộ trưởng là ngành giáo dục cần chủ động, tích cực, tập trung vào các giải pháp để phòng ngừa, hóa giải nguyên nhân dẫn đến bạo lực. Học sinh đang ở độ tuổi lớn và hình thành nhân cách, nếu áp dụng hình thức nặng về răn đe và phạt là không phải cách hay.  

Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò của đội ngũ khoảng 1,4 triệu giáo viên trong việc giáo dục đạo đức học sinh, ngăn ngừa bạo lực học đường. “Phải chú trọng ngay từ khâu đào tạo. Giáo viên phải có năng khiếu sư phạm, yêu nghề, mến trẻ. Chương trình đào tạo cũng phải thay đổi, giáo viên phải được đào tạo trở thành những nhà giáo dục chứ không phải là thợ dạy, hết giờ là về.”, bộ trưởng nói.

Hội nghị trực tuyến được tổ chức trên 63 điểm cầu với sự tham gia của gần 20.000 giáo viên, cán bộ quản lý. Bộ trưởng đề nghị, các Sở GD&ĐT thực hiện nghiêm chủ trương của ngành. “Nếu giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, trước hết không cho đứng lớp, không có chuyện đẩy sang lớp nọ lớp kia”, bộ trưởng nói.

Nhiều ý kiến phát biểu đưa ra những cách làm hay, mô hình sáng tạo đạt hiệu quả. Bộ trưởng Nhạ đề nghị các cơ sở giáo dục phải cụ thể hóa các hoạt động thông qua kế hoạch của nhà trường, trong đó phân rõ trách nhiệm từng người mà người đứng đầu là hiệu trưởng. Các vị trí như giáo viên chủ nhiệm, tổ chức Đoàn, Hội, Đội…cũng tích cực phối hợp phụ huynh để cùng thực hiện.

Trước đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã ký ban hành Chỉ thị về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong đó chỉ rõ, hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để xảy ra bạo lực học đường.

Chỉ thị cũng yêu cầu, các cơ sở giáo dục phải bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về đạo đức nhà giáo, tư vấn tâm lý, năng lực kiểm soát cảm xúc cá nhân và kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm. Đặc biệt, các trường phải cử giáo viên có kinh nghiệm, năng lực và trách nhiệm làm công tác chủ nhiệm để thường xuyên theo sát tình hình, quản lý, giáo dục học sinh.  

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.