Ngành nông nghiệp không chỉ biết sản xuất
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn, phức tạp do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Người nông dân từ chăn nuôi đến trồng trọt đang chịu tổn thương nặng nề, có lúc xuất hiện tâm lý bi quan, chán nản.
Tuy nhiên, trong biến cố do dịch bệnh, có những cái phải tư duy lại cho cả ngành nông nghiệp.Trước đây, chúng ta cứ cắt khúc từng mảng, ngành nông nghiệp lo sản xuất, còn tiêu thụ phó mặc cho thị trường điều chỉnh, hoặc trách nhiệm đó thuộc về ngành công thương. Ở địa phương và cả trung ương đều nghĩ vậy. Nhưng nay, sản xuất xong đầu ra tiêu thụ ra sao, kết nối cung - cầu như thế nào, chúng ta bắt đầu lúng túng.
“Kể cả, cách nghĩ về thương lái. Trước đây, chúng ta cứ chăm chăm quan tâm mỗi doanh nghiệp (DN), và suy nghĩ không tốt về lực lượng này, nào ép giá, trục lợi. Giờ dịch bệnh, thương lái không đi mua được, nông dân không bán được nông sản, DN không có hàng để chế biến, xuất khẩu.
Trong khi lực lượng này rất đông đảo. Đến nay chưa có tỉnh nào thống kê, đứng ra quản lý để những lúc thế này mà liên hệ, kết nối với họ để vào cuộc thu mua hỗ trợ nông dân”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Liên kết vùng ở ĐBSCL đang rất yếu, 90% diện tích lúa ở ĐBSCL, nông dân chật vật tìm đầu ra Ảnh: Cảnh Kỳ |
Theo tư lệnh ngành nông nghiệp, trong suốt thời gian dài, chúng ta cứ hô hào Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải thực hiện liên kết vùng, nhưng liên kết ra sao, thế nào, ai đứng ra liên kết thì chưa biết. Vừa qua, câu chuyện lúa gạo trong điều kiện dịch bệnh thấy rõ, mỗi nơi một giá, thông tin khác nhau khiến lãnh đạo các địa phương chỉ đạo không thống nhất.
Ông Hoan cho biết, ở ĐBSCL mới chỉ có 10% diện tích lúa của nông dân liên kết với DN. Khi dịch bệnh xảy ra, những hộ này được DN thu mua nhanh chóng, giá cả đảm bảo. Còn 90% diện tích còn lại, nông dân chật vật tìm đầu ra. Một khu vực sản xuất lương thực trọng điểm của cả nước và tầm cỡ thế giới…mới chỉ tác động như vậy liên kết đã bị đứt gãy.
Hay câu chuyện một DN ở Cần Thơ xuống Long An thu mua nông sản, rồi tạt qua các đối tác ở Sóc Trăng, Bến Tre… nhưng vì quy định giấy xét nghiệm COVID-19 của mỗi tỉnh có thời gian khác nhau khiến thu hoạch, vận chuyển nông sản cả vùng bị tắc.
“Một không gian kinh tế có tính chất liên kết vùng nhưng nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự hợp tác thì nền nông nghiệp không thể lớn mạnh được mà còn đối mặt với nhiều rủi ro, đứt gãy”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận.
Hào nhoáng xuất khẩu, rủi ro nông dân
Nhắc lại câu chuyện, vào đầu năm nay, các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương… phải thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn rộng khi dịch bệnh bùng phát căng thẳng, song việc tiêu thụ hàng trăm nghìn tấn nông sản vẫn được giải quyết suôn sẻ. Thế nhưng, khi dịch COVID-19 lan vào các tỉnh ĐBSCL, việc thu hoạch, tiêu thụ lại ách tắc.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đây là điều mà các tỉnh ĐBSCL cần suy ngẫm và học hỏi. Ở các tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên, người dân đã xây dựng được mã vùng trồng nhãn, vải… theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap. Các hợp tác xã đã quảng bá, xây dựng được thương hiệu từ trước. Người nông dân làm đúng theo hướng dẫn sử dụng phân thuốc của ngành nông nghiệp và khuyến cáo của DN. Do vậy, việc tiêu thụ và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài thuận lợi hơn.
Nhưng ở các tỉnh ĐBSCL, sản lượng nông sản lớn hơn rất nhiều, tỉnh nào cũng có xoài, cam, quýt, nhãn… Nhưng chưa có ai đứng ra tổ chức, điều tiết, các địa phương chưa biết làm thương hiệu riêng, mà nông sản đồng đều giống nhau. Cuối cùng, thế mạnh trở thành điểm yếu.
Ở ĐBSCL mới chỉ có 10% diện tích lúa của nông dân liên kết với DN. Khi dịch bệnh xảy ra, những hộ này được DN thu mua nhanh chóng, giá cả đảm bảo. Còn 90% diện tích còn lại, nông dân chật vật tìm đầu ra. Một khu vực sản xuất lương thực trọng điểm của cả nước và tầm cỡ thế giới… mới chỉ tác động như vậy liên kết đã bị đứt gãy.
Vừa qua, Trung Quốc từ chối nhiều lô hàng thanh long của Việt Nam do không đáp ứng được tiêu chuẩn như mã vùng trồng, dịch bệnh, thuốc bảo vệ thực vật là vì thế. Ở ĐBSCL, lượng phân bón mà nông dân sử dụng cao hơn mức trung bình của cả nước rất nhiều, thậm chí cao hơn gấp đôi. Giữa các tỉnh với nhau, lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng có sự chênh lệch khiến chi phí sản xuất cùng một loại nông sản của tỉnh này cao hơn tỉnh kia.
“Thị trường lúa gạo đang khó khăn, tại sao chúng ta không tạm thời dừng một diện tích nào đó, để chuyển sang trồng cây khác, mà cứ bắt nông dân phải trồng lúa bằng được. Việc dừng là hết sức bình thường, trong nền kinh tế thị trường, kịch bản đó có thể xảy ra”. Bộ trưởng Lê Minh Hoan
“Đến hôm nay, tôi mới biết tại sao giá thành sản xuất lúa của tỉnh An Giang lại chênh lệch với Đồng Tháp, Cần Thơ… trong khi thiên thời, địa lợi các địa phương như nhau. Sản xuất hàng hóa, quy mô lớn mà thiếu sự đồng nhất, chuyên nghiệp như vậy rất bất ổn và rủi ro. Hầu như các địa phương chỉ chú trọng khâu sản xuất, thậm chí mở rộng quy mô sản xuất được xem là thành tích mà không đánh giá rủi ro thị trường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Bộ trưởng Hoan cho rằng, tư duy kinh tế nông nghiệp cần tính toán chi ly các chi phí.Trong bối cảnh, giá vật tư, phân bón tăng chóng mặt khiến đầu vào gặp khó không phải chúng ta cứ chăm chăm phấn đấu đạt được những con số mục tiêu xuất khẩu, mà đẩy nông dân vào rủi ro, đổi lấy sự bất trắc.
“Thị trường lúa gạo đang khó khăn, tại sao chúng ta không tạm thời dừng một diện tích nào đó, để chuyển sang trồng cây khác, mà cứ bắt nông dân phải trồng lúa bằng được. Việc dừng là hết sức bình thường, trong nền kinh tế thị trường, kịch bản đó có thể xảy ra”, ông Hoan nói.