Bộ Nội vụ vừa khai mạc kỳ sát hạch, tuyển chọn cán bộ tham gia Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trẻ các cấp của Bộ Nội vụ giai đoạn 2023 – 2026, định hướng đến năm 2030”, ngày 29/7.
Theo quyết định của Bộ Nội vụ, có 26 cán bộ, công chức, viên chức đủ tiêu chuẩn tham gia sát hạch, tuyển chọn cán bộ tham gia đề án này.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch Hội đồng sát hạch, tuyển chọn phát biểu khai mạc. Ảnh: BNV |
Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch Hội đồng sát hạch, tuyển chọn, công tác cán bộ là một trong những nhiệm vụ hệ trọng, then chốt của then chốt, để làm sao chủ động được nguồn cán bộ - nhất là cán bộ trẻ đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.
Đồng thời chủ động được nguồn cán bộ, chủ động được công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, không thể để tự thân mỗi cán bộ, công chức, viên chức mà cần có sự chuẩn bị tốt thì sẽ gặt hái được thành công, lựa chọn được những cán bộ lãnh đạo trẻ các cấp tốt hơn, chất lượng hơn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Bà Trà nhấn mạnh, đây là đề án lớn, có ý nghĩa rất lớn đối với Bộ Nội vụ, đồng thời cũng là một bước để Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện thêm, bổ sung đề án này ngày càng đi vào thực tiễn, chủ động đáp ứng được công tác xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ các cấp của Bộ.
Theo Bộ trưởng, qua vòng sơ tuyển đợt 1 (Vòng 1) các cán bộ, công chức, viên chức tiêu biểu được lựa chọn vào vòng thi sát hạch đều được lãnh đạo các đơn vị đánh giá rất cao. Bộ trưởng khi làm việc trực tiếp với các cán bộ này qua một số công việc, sản phẩm cụ thể cũng có những thông tin tốt đối với các đồng chí tham gia đề án này.
Vòng sơ tuyển đã lựa chọn được 26 trường hợp, đây cũng là bước đầu; qua cuộc thi sát hạch, tuyển chọn này sẽ chính thức có được số lượng cán bộ, công chức, viên chức tiêu biểu, nổi trội để tham gia đề án và thực hiện các nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách.
Bà Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, hằng năm, Bộ Nội vụ sẽ tiến hành rà soát, đánh giá, sàng lọc lại và từ đó tiếp tục bổ sung vào đề án. Những trường hợp không đạt yêu cầu, không khẳng định được năng lực bản thân, không nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, thử thách, không thể hiện rõ được sản phẩm công việc được phân công, sẽ xem xét đưa ra khỏi đề án.
Đối với các đối tượng của đề án, Bộ Nội vụ sẽ có cơ chế đặc thù để xem xét đối với những người có đủ các điều kiện để bổ nhiệm, trường hợp bổ nhiệm chức vụ vượt cấp sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền.
Bộ trưởng Nội vụ mong muốn, đây là đợt đầu tiên thử nghiệm (thí điểm) để thực hiện đề án này và sẽ thành công để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, bổ sung, rút kinh nghiệm thường xuyên hằng năm để làm sao có được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.