Gửi kiến nghị tới Quốc hội, cử tri tỉnh Ninh Bình viện dẫn Thông tư 52/2020 của Bộ GD&ĐT, trong đó quy định nhiệm vụ của các trường mầm non là nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay các cô nuôi ở trường mầm non làm việc theo chế độ hợp đồng, hưởng lương từ kinh phí đóng góp của phụ huynh.
Từ đó, cử tri kiến nghị xem xét, quy định chỉ tiêu biên chế, hệ thống thang bảng lương cho các cô nuôi để yên tâm, gắn bó với nhà trường.
Bên cạnh đó, cử tri cũng phản ánh chế độ tiền lương đối với giáo viên mầm non có nhiều thiệt thòi so với các cấp học khác. Trong khi đó, thời gian làm việc của giáo viên mầm non thường trên 8 tiếng/ngày, phổ biến là 11 tiếng/ngày.
Do vậy, cử tri kiến nghị điều chỉnh hệ số lương của giáo viên mầm non như giáo viên tiểu học để đảm bảo công bằng về chế độ tiền lương giữa các bậc học với nhau.
![]() |
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại kỳ họp Quốc hội. |
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, danh mục khung vị trí việc làm cũng như định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập không có vị trí việc làm với “cô nuôi”.
Trường hợp này chỉ có quy định hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ nấu ăn đối với các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức bán trú. Các cơ sở giáo dục mầm non căn cứ nhu cầu, khối lượng công việc thực tế đề xuất số lượng hợp đồng lao động.
Theo Bộ trưởng, quy định này là phù hợp với thực tiễn và phù hợp với tinh thần tinh giản biên chế của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, để tạo sự yên tâm, gắn bó, Bộ GD&ĐT đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có ý kiến với UBND tỉnh, có chính sách hỗ trợ kinh phí chi trả tiền lương, phụ cấp, chế độ bảo hiểm cho nhân viên hợp đồng.
Về chế độ tiền lương với giáo viên mầm non, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc xếp lương của giáo viên mầm non, phổ thông thực hiện theo nghị định 204/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Qua đó, lương của giáo viên mầm non, phổ thông được xếp theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (bảng 3). Theo nghị định này thì lương của giáo viên mầm non không có căn cứ để xếp như lương của giáo viên phổ thông.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, ngoài tiền lương được trả theo hệ số, giáo viên mầm non còn được hưởng phụ cấp ưu đãi thuộc nhóm có mức cao hơn so với giáo viên cấp học khác.
Ngoài ra, giáo viên mầm non còn được hưởng thêm một số chính sách theo quy định của Chính phủ về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non.
Kim Oanh
Các cấp học khác dạy theo tiết và được thu tiền học thêm buổi chiều. Thử hỏi như vậy các cấp khác đã làm đủ 8 tiếng/ngày chưa sao lại được thu tiền buổi chiều. Còn GVMN họ làm tới 11 tiếng/ngày hệ số thì thấp nhất. Như vậy là không công bằng với họ
Thích Trả lời
Lê thảo quyên
Mong các cấp lãnh đạo quản tâm tới chế độ tiền lương giáo viên mầm non cùng là giáo viên mà hệ số lương lại thấp hơn so với các cấp học khác, và đặc biệt hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với trẻ nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm sẽ cao hơn so với các ngành khác
Thích Trả lời
Cấn thị Thành
Nhân viên nuôi dưỡng trong mầm non. Cần được quan tâm hơn nữa, xếp vị trí việc làm và phụ cấp nghề cho họ yên tâm phục vụ
Thích Trả lời
Vương Huyền
Tại sao nhân viên nuôi dưỡng cũng làm việc vất vả hơn so với giao viên mầm non mà không được để ý tới là sao, lương nhân viên nuôi dưỡng thì quá thấp 17 năm cong tac lương chưa nổi 5 triệu.
Thích Trả lời
Nguyễn Thị Mận
Mong các cấp lãnh đạo quan tâm đến chế độ ưu đãi dành cho nhân viên nuôi dưỡng làm việc tại trường Mầm Non. Nhân viên nuôi dưỡng lương vẫn còn quá thấp so với mức lương trung bình.
Thích (18)Trả lời