Thiếu trước, hụt sau
Cô Nguyễn Thị Luyến, giáo viên Trường mầm non An Thượng B, huyện Hoài Đức (Hà Nội) chia sẻ, gần 30 năm đi dạy hiện cô được nhận mức lương hơn 5 triệu đồng/ tháng. Cô Luyến có gia cảnh khó khăn, cả gia đình sống nhờ đồng lương giáo viên còm cõi nên cô cảm thấy vô cùng áp lực.
Cô Luyến ngậm ngùi, trước đây khi học xong trung cấp mầm non, những tưởng khi tâm huyết với nghề sẽ có cuộc sống ổn định. Nhưng rút cuộc, cả cuộc đời đi dạy cô chỉ nhận được đồng lương rất thấp, không đủ trang trải cuộc sống. “Gần 30 năm trong nghề giáo nhưng khi nhà có việc, cần mua một món đồ gì lại phải đi vay mượn”, cô nói.
Cô Nguyễn Thị Tuyết Lan, giáo viên một trường mầm non công lập ở Nghệ An chia sẻ, là giáo viên trẻ mới ra trường lại phải nuôi hai con nhỏ nên mỗi tháng nhận lương cô ứa nước mắt vì tủi thân. Cô Lan có chồng là bộ đội công tác xa nhà, một nách hai con nhỏ. Hôm nào trực, 6 giờ 30 cô phải có mặt ở trường và ngày làm việc kết thúc khi đồng hồ điểm 6 giờ chiều. Lắm hôm, phụ huynh có việc đón con muộn, cô về đến nhà 7 giờ tối. Đồng lương eo hẹp nên mọi chi tiêu trong nhà ba mẹ con phải tính toán từng đồng. Cô kể, hai con nhỏ nên cô ưu tiên tiền đi chợ mua thực phẩm, còn quần áo đa số phải xin lại từ con của những người họ hàng. Tháng nào có việc ma chay, cưới hỏi là mẹ con phải chi li từng đồng rất khổ. Con thèm món đồ chơi nhưng vì không có tiền nên đành hẹn lên hẹn xuống với con mãi mới dám mua. Cô Lan chia sẻ: “Dạy mầm non, học sinh như lũ chim non rất đáng yêu nên dù mệt mỏi lúc nào cũng phải động viên mình phấn đấu. Không vì lương thấp mà làm việc qua quýt, tuy nhiên lắm lúc muốn bỏ nghề theo chúng bạn đi buôn bán để cuộc sống các con đỡ khổ”, cô Lan tâm sự.
Cô Lê Thị Hiền Hảo, giáo viên Trường mầm non Bạch Dương, quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) chia sẻ, cô rất yêu trẻ, tâm huyết với nghề nên ngày đi dạy, tối về cặm cụi làm đồ chơi sáng tạo cho trẻ. Nhiều năm liền, cô là giáo viên dạy giỏi, được nhiều giải thưởng của thành phố, Bộ GD&ĐT tặng bằng khen, thế nhưng sau 15 năm đi dạy, cô cũng chỉ nhận được mức lương cơ bản, cộng phụ cấp chưa đến 5,5 triệu đồng. “Đến tháng, tiền học của hai con, tiền điện nước, tiền điện thoại, xăng xe…lại khiến mình phân tâm ghê lắm chứ chưa dám mơ đến váy áo đắt tiền. Nhiều lúc nghĩ, mình đi làm từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối mà chỉ gọi là tạm đủ sống qua ngày thì tủi thân quá”, cô tâm sự.
Nhiều giáo viên bươn chải làm thêm
Bà Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng trường Mầm non An Thượng B, huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, ngoài mức lương theo hệ số và phụ cấp đứng lớp 35%, giáo viên không có một khoản trợ cấp nào thêm nên đời sống rất chật vật. Bà Thanh cũng cho rằng, giáo viên là nghề vất vả, giáo viên mầm non lại càng vất vả hơn bởi các cô làm việc hơn 8 tiếng/ ngày. “Không chỉ dạy mà còn phải dỗ, chăm sóc trẻ từ miếng ăn, giấc ngủ, làm vệ sinh cho trẻ vì thế ai đã làm giáo viên mầm non mới hiểu áp lực các cô đang gánh chịu, thế nhưng mức lương lại chưa tương xứng với sức lao động”, bà Thanh nói.
Một hiệu trưởng trường mầm non khác tại Hà Nội cũng thẳng thắn: “Mức lương của giáo viên mầm non hiện nay chưa tương xứng để họ nhiệt huyết với nghề nhưng họ không biết kêu ai”. Bà cho rằng, dạy trẻ trên lớp chiếm hết phần lớn thời gian trong ngày của giáo viên. Ngoài đón trẻ, cho trẻ ăn, dạy trẻ học, trông trẻ ngủ, các cô còn nhiều việc khác như sáng tạo đồ chơi, giáo cụ. 10 tiếng trên lớp là 10 tiếng các cô đối mặt với tiếng ồn, sự căng thẳng nhưng khi mức lương không đủ sống, họ đã phải bươn ra ngoài để làm thêm. Một số giáo viên bán hàng qua mạng, có giáo viên phải thức đêm, thức hôm làm bánh, chế nước bán thêm kiếm sống.
GS.VS Đào Trọng Thi cho rằng, lương giáo viên mầm non lâu nay thấp bởi có yếu tố lịch sử. Trước đây, các cô mầm non ở các làng, xã không thuộc diện nhà nước trả lương mà thuộc hợp tác xã. Sau này, khi được tính lại tương ứng với bậc đào tạo nên hệ số 1,86 là rất thấp. Vì vậy, trước mắt nhà nước nên có trợ cấp bổ sung từ nguồn ngân sách để hỗ trợ đời sống giáo viên. Về lâu dài cần phải cải cách hệ thống bậc lương, trong đó cần tính toán lại hệ thống lương giáo viên mầm non.
“Lúc nào cũng đòi hỏi trẻ được chăm sóc tốt, nuôi dạy tốt nhưng mức lương trả cho giáo viên lại rất thấp thì đó là sự bất công, vô lý. Muốn giáo viên nhiệt huyết, yên tâm cống hiến với nghề không có gì khác là phải chăm lo đời sống của họ tốt đã”, GS Đào Trọng Thi nói.
Mới đây, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi Bộ Nội Vụ và Bộ LĐ - TB&XH về tổng hợp quỹ tiền lương của ngành tính đến ngày 31/12/2016. Trong đó, mức lương của giáo viên thấp nhất hiện nay là 3,2 triệu đồng, tập trung nhiều vào số giáo viên trẻ mới ra trường. Trong đó, giáo viên mầm non, tiểu học có hệ số lương khởi điểm thấp nhất là 1,86%, phụ cấp đứng lớp 35%. Trong khi, giáo viên có thâm niên 15-25 năm cũng chỉ nhận mức lương từ 7 - 8 triệu đồng, không có trợ cấp gì thêm.
Theo bộ GD&ĐT, mức lương của giáo viên mầm non, tiểu học hiện đang thấp hơn mức lương tối thiểu vùng I (3.750.000 đồng), tương đương mức lương tối thiếu vùng II (3.320.000 đồng).