Bộ trưởng Công thương bị truy vấn về EVN

Bộ trưởng Công thương bị truy vấn về EVN
Sáng nay 12/11, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng nhận được hàng loạt các câu hỏi chất vấn liên quan đến lý do ngừng xuất khẩu gạo khi giá lên cao gây thiệt hại cho nông dân và tình hình sản xuất của EVN.

Câu hỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam lãi hay lỗ, tại sao từ chối 13 dự án đã nhận với Chính phủ, việc cắt điện tuỳ tiện và trong khi báo cáo kinh doanh lỗ, đòi tăng giá, Tập đoàn lại đầu tư vốn sang lĩnh vực khác và đề nghị được trích thưởng trên 1.000 tỷ của các đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên), Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) đã làm Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng mất khá nhiều thời gian để giải trình.

Về việc ngành điện trả lại 13 dự án đã nhận với Chính phủ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, từ năm 2006 đến nay, Tập đoàn đã triển khai các dự án theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên trong 2008, do thắt chặt chi tiêu công, các nhà máy điện được giao cho Tập đoàn làm chủ đầu tư đều là nhà máy nhiệt điện sử dụng than, nên sau khi tính toán cân nhắc, Tập đoàn đã xin được trả lại 13 dự án nhà máy điện, tuy nhiên cũng hứa khi trả lại sẽ tham gia 1 phần tuỳ theo từng dự án.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh “Việc đã nhận mà trả lại là có một phần thiếu trách nhiệm tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn về vốn, nguồn than dùng cho các nhà máy nhiệt điện thiếu..., Chính phủ đã chỉ đạo cho Bộ Công thương giao Tập đoàn 2 trong số 13 dự án, số còn lại giao cho các Tập đoàn và Tổng Công ty lớn trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài có kinh nghiệm và khả năng đảm đương”.

Về việc Tập đoàn xin để lại quỹ phúc lợi hơn 1.000 tỷ đồng là nguồn tiền của năm 2007 do Tập đoàn tính lãi tới lãi 4.000 tỷ đồng, Bộ đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị kiểm tra lại chênh lệch giá điện nhằm phản ánh chính xác lợi nhuận của ngành điện.

Bộ trưởng cũng cho biết, theo tính toán, năm 2009, ngành điện sẽ cung cấp khoảng 18.000 MW. Tuy nhiên với dự báo kinh tế sẽ trưởng ở mức 6,5%, vậy nhu cầu điện sẽ là 13%.

“Về tổng thể có thế đảm bảo nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, sản lượng điện phụ thuộc vào mùa mưa, mùa khô, khó có thể tránh khỏi tình trạng vào mùa khô do thiếu nguồn nước vẫn phải cắt giảm điện”. Bộ trưởng khẳng định: Sẽ chỉ đạo Tập đoàn cố gắng hết sức, tránh tình trạng cắt điện tràn lan, đảm bảo nhu cầu điện cho sản xuất, đời sống nhân dân.

Bộ trưởng Công thương bị truy vấn về EVN ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng

Chưa thoả mãn với phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) trao đổi lại: Qua nghe Bộ trưởng trả lời, thấy phần nào thấy yên tâm hơn, tuy nhiên khi cam kết thực hiện hợp đồng điện, không vì lí do bất khả kháng mà cắt điện, trước hết Tập đoàn phải chấp hành Luật Điện lực, phải bồi thường cho doanh nghiệp, người dân bị cắt điện.

Giá thành điện tăng, người dân và doanh nghiệp đồng ý chia sẻ, thì cũng là chia sẻ với độc quyền nhà nước để đầu tư phát triển điện, như thế công bằng hơn.

“Phải tính thế nào để không biến độc quyền nhà nước thành độc quyền của doanh nghiệp.”, đại biểu Hải nêu câu hỏi. Tuy nhiên, phần trao đổi của đại biểu Hải không được trả lời vì thời gian dành cho Bộ trưởng Công thương đã trả lời về vấn đề này hết để chuyển sang chuyên đề khác.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng với vai trò Tổ trưởng tổ điều hành xuất khẩu gạo giải trình chỉ nhận một phần trách nhiệm trong công tác tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo, điều hành xuất khẩu gạo.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ chưa bao giờ kiến nghị dừng xuất khẩu gạo. “Cá nhân tôi và Bộ Công thương khẳng định việc tham mưu cho Chính phủ đưa ra quyết định cuối tháng 3 đầu tháng 4 là chính xác”.

Tuy nhiên, sau khi giải thích lòng vòng về bối cảnh giá thế giới cao, doanh nghiệp, thương lái đổ xô đi mua, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao…, Bộ trưởng Hoàng lại thay đổi “Nếu sai, tôi xin nhận 1 phần trách nhiệm”.

Trước cách trả lời này, đại biểu Lê Thị Dung (An Giang) bức xúc: “Bộ trưởng trả lời chưa thoả đáng, nếu chúng tôi nói lại, cử tri sẽ vẫn bức xúc. Câu trả lời này không nhận được sự đồng tình của dân. Với vai trò Tổ trưởng tổ điều hành xuất khẩu gạo, Bộ trưởng cần thể hiện rõ vai trò của cá nhân, cần quy trách nhiệm rõ ràng trong vấn đề này”. Thời cơ đã qua, thiệt hại đã lớn, Bộ trưởng có đặt vấn đề tại sao tham mưu không kịp thời, không đúng lúc sẽ gây thiệt hại thế nào không?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, trong trả lời cử tri, chúng tôi chưa đáp ứng được hoàn toàn những thắc mắc, yêu cầu của cử tri, nhất là bà con Đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi nhận thấy có phần trách nhiệm của Bộ Công thương trong tham mưu cho Chính phủ về xuất khẩu gạo. “Chúng tôi đã nhận trách nhiệm là chưa kịp thời, riết róng”, Bộ trưởng thừa nhận.

Không thỏa mãn với việc chỉ nhận một phần trách nhiệm của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) tiếp tục truy vấn: “Tôi không đồng ý với việc Bộ Công thương cho rằng tham mưu cho Chính phủ về ngưng xuất khẩu gạo là chính xác. Chúng tôi cho rằng vấn đề xương máu của nông dân. Tại sao giá thế giới tăng cao lại không ký tiếp hợp đồng? Tại sao lại để xảy ra sốt giá vào cuối tháng 3? Với vai trò là Tư lệnh lĩnh vực, trách nhiệm là của Bộ trưởng. Bộ trưởng phải nhận trách nhiệm đó”, đại biểu Nhơn khẳng định.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giãi bày: “Không có chuyện Bộ nào chạy theo lợi ích cục bộ của Bộ mình. Trong bối cảnh này, chỉ đạo của Chỉnh phủ như vậy và trong suy nghĩ, công tác tham mưu của chúng tôi là như vậy. Có lúc chưa kịp thời”. Bộ trưởng cũng đề nghị được gặp đại biểu Nhơn để trao đổi cụ thể hơn về những vấn đề trên.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chung chung, nguyên tắc, không cụ thể. Bộ trưởng chưa nhận hết trách nhiệm với dân nhất là đang quản lý hai lĩnh vực quan trọng của Việt Nam là sản xuất và tiêu dùng. Qua trả lời chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng, tôi thấy nổi lên năm vấn đề cần quan tâm.

Thứ nhất, Bộ Công thương chưa quan tâm đến vấn đề quản lý từ gốc trong sản xuất, do vậy trên thị trường tràn lan phân bón giả, mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng, hoa quả nhập khẩu không đảm bảo an toàn vệ sinh...

Thứ hai, Bộ trưởng chưa nhận hết trách nhiệm với dân trong xuất khẩu gạo, bỏ lỡ thời cơ xuất khẩu gây nên tình trạng ứ đọng gạo nhiều.

Thứ ba, hàng chục năm nay, thị trường nội địa chưa được quan tâm đầu tư do vậy người sản xuất và người tiêu dùng bị thiệt, lợi nhuận rơi vào tay trung gian.

Thứ tư, việc quản lý buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả còn nhiều bất cập.

Thứ năm là vấn đề độc quyền trong ngành điện vẫn tiếp diễn, ngành điện bỏ 13 dự án đầu tư để đầu tư sang ngành khác, tình trạng thất thoát điện còn cao và người dân phải chịu sự thất thoát này".

* Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Nông): Bộ trưởng Bộ Công thương nhận "có phần trách nhiệm" là không thoả đáng, chưa nhận rõ trách nhiệm của mình. Đại biểu nhận xét phần trả lời của Bộ trưởng không đáp ứng được nguyện vọng của đại biểu Quốc hội và cử tri.

Theo TTXVN

MỚI - NÓNG