Bờ Tây có thể trở thành mặt trận thứ ba của Israel – Hamas

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bạo lực ở Bờ Tây gia tăng đáng kể từ khi Israel bắt đầu ném bom Dải Gaza và đụng độ với lực lượng Hezbollah ở biên giới Li-băng, làm dấy lên lo ngại rằng vùng đất này có thể trở thành mặt trận thứ ba trong cuộc chiến rộng lớn hơn.

Cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10 khiến hơn 1.400 người thiệt mạng. Chiến dịch tấn công đáp trả của Israel đến nay đã khiến giết chết hơn 3.500 người ở Dải Gaza. Israel đang chuẩn bị một cuộc tấn công trên bộ toàn diện để tiêu diệt Hamas.

Các nước phương Tây ủng hộ Israel lo ngại một cuộc chiến tranh rộng hơn sẽ khiến Li-băng, địa bàn của lực lượng Hezbollah được Iran hậu thuẫn, trở thành mặt trận thứ hai. Báo chí Israel cho rằng Bờ Tây có nguy cơ trở thành mặt trận thứ ba.

Hơn 70 người Palestine thiệt mạng trong các vụ bạo lực ở Bờ Tây kể từ ngày 7/10 và Israel đã bắt giữ hơn 800 người. Lực lượng Israel đột kích và không kích một trại tị nạn của người Palestine ở Bờ Tây ngày 19/10, khiến ít nhất 12 người thiệt mạng, các quan chức Palestine cho biết.

Tình hình này gây thách thức với cả Israel và Chính quyền Palestine (PA), tức chính quyền quản lý Palestine duy nhất được quốc tế công nhận. Quân đội Israel cho biết lực lượng của họ đang được đặt ở mức cảnh giác cao độ và chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công.

Hamas đang muốn "nhấn chìm Israel bằng một cuộc chiến tranh trên 2 hoặc 3 mặt trận. Mối đe dọa đang gia tăng", Trung tá Jonathan Conricus, người phát ngôn quân sự của Israel, nói với Reuters.

Trong khi Hamas kiểm soát chặt chẽ Dải Gaza, Bờ Tây là địa bàn phức tạp gồm các thành phố trên sườn đồi, các khu định cư của người Israel và nhiều trạm kiểm soát chia cắt các cộng đồng người Palestine.

Israel chiếm đóng lãnh thổ này từ năm 1967 và đã chia thành các khu vực lớn để kiểm soát. Bên cạnh đó, có những khu vực nhỏ mà người Palestine có toàn quyền kiểm soát, và các khu vực mà người Palestine và lực lượng Israel phân chia nhiệm vụ dân sự và an ninh.

Có nhiều quan điểm khác nhau về bạo lực giữa trung tâm Ramallah và các khu vực ngoại vi nghèo hơn ở Bờ Tây.

Những thanh niên tuyệt vọng trong trại tị nạn sẵn sàng chiến đấu hơn những người ở thành phố Ramallah, nơi sinh sống và làm việc của các doanh nhân và quan chức cấp cao Palestine.

Nhà phân tích chính trị người Palestine Hadi al-Masri cho rằng Chính quyền Palestine muốn giữ hòa bình và lo ngại các cuộc tuần hành của hàng nghìn người có thể nhanh chóng biến thành hàng trăm nghìn người.

Ông cho rằng Chính quyền Palestine làm khá tốt về mặt tài chính và dựa vào các thỏa thuận với Israel để được trả tiền.

Ngày 19/10, Ngoại trưởng Jordan phát biểu rằng quốc gia này sợ điều tồi tệ nhất trong xung đột Israel – Hamas vẫn chưa tới, khi đến nay vẫn chưa thấy nỗ lực thành công nào để xuống thang căng thẳng.

Phát biểu tại một cuộc họp báo với người đồng cấp Đức, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi nói rằng chiến tranh sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc và thúc giục “bảo vệ khu vực trước mối đe dọa chiến tranh mở rộng”.

“Mọi dấu hiệu cho thấy điều tồi tệ nhất sắp đến. Sự thảm khốc đó sẽ gây ra những điều đau đớn trong giai đoạn tới”, ông nói.

“Quyết định chấm dứt cuộc chiến không nằm ở phía chúng tôi, mà nằm ở Israel và chúng ta phải nỗ lực hết sức để chấm dứt nó”, Ngoại trưởng Safadi nói.

Theo Reuters, Al Zajeera
MỚI - NÓNG