Bổ sung quyền thụ hưởng của nhân dân, tăng kiểm tra, giám sát cán bộ công chức

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chiều 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Bổ sung quyền thụ hưởng của nhân dân, tăng kiểm tra, giám sát cán bộ công chức ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 7 chương và 79 điều, tăng 5 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.

Dự thảo quy định về nội dung, hình thức nhân dân kiểm tra, nhân dân giám sát để phát huy được sự tham gia và vai trò của từng người dân trong việc kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức và cơ quan công quyền, phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, phát huy dân chủ, tăng tính phản biện và sức sáng tạo của nhân dân.

“Công dân có thể trực tiếp thực hiện việc kiểm tra, giám sát thông qua các hoạt động lao động, sản xuất, học tập, làm việc, công tác, sinh hoạt của công dân ở cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động, hoặc thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng”, ông Tùng cho hay.

Cùng với đó, dự thảo luật cũng bổ sung một điều riêng (Điều 7) quy định về quyền thụ hưởng của nhân dân. Theo đó, nhân dân được bảo đảm thực hiện các quyền trong thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; được thụ hưởng thành quả đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước, của địa phương và ở cộng đồng dân cư nơi sinh sống…

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao, đồng thời hoan nghênh dự án luật thiết kế theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" rất mộc mạc, đơn sơ, dễ hiểu; đồng thời bổ sung thêm điều "dân thụ hưởng" là rất tốt.

Tuy nhiên, đối với quyền thụ hưởng của nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu, bổ sung một khoản về việc người dân được cung cấp thông tin, được yêu cầu cung cấp thông tin về chế độ, chính sách liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần, nhất là vấn đề an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.

Bổ sung quyền thụ hưởng của nhân dân, tăng kiểm tra, giám sát cán bộ công chức ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Dân chủ tại doanh nghiệp

Về phạm vi, Chủ tịch Quốc hội tán thành bổ sung thêm việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp và tổ chức có sử dụng lao động. Vì Bộ luật Lao động điều chỉnh quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động, còn luật này cũng điều chỉnh quan hệ lao động nhưng với tư cách người lao động là công dân, đó là cách điều chỉnh đúng hướng và không xung đột, mâu thuẫn với Bộ luật Lao động.

Liên quan thể chế hóa phương châm "dân làm", Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh viện dẫn, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, mô hình "quần chúng tự quản" đã phát huy tốt sức mạnh của nhân dân và đề nghị bổ sung thiết chế mô hình "quần chúng tự quản tại cơ sở".

Giải trình, tiếp thu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thống nhất đây là thiết chế dân chủ quan trọng để nhân dân phát huy quyền làm chủ, hay có thể gọi là công cụ để người dân phát huy quyền kiểm tra, giám sát của mình.

Ngoài thiết kế trong dự thảo luật, Bộ Nội vụ sẽ cân nhắc thêm ở những nơi không có tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp thì phải có một tổ chức nào đó để người dân có công cụ thực hiện quyền lợi của mình.

"Cùng với Ban Thanh tra nhân dân có Ban Giám sát cộng đồng, đồng thời có tổ chức tự quản tại cộng đồng...vì các tổ chức này phát huy vai trò rất tốt", Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định.

MỚI - NÓNG