Bộ phim Việt chết yểu, nhà sản xuất vỡ nợ, điêu đứng

TPO - Cách đây 17 năm, “Dòng máu anh hùng” được đầu tư lớn với mức chi phí 1,5 triệu USD nhưng thua lỗ nặng nề trên sân nhà. Tác phẩm thành công về mặt nghệ thuật nhưng khiến nhiều người điêu đứng, cố NSƯT Nguyễn Chánh Tín bị phá sản, đạo diễn Charlie Nguyễn tới năm 2023 mới trả hết nợ ngân hàng…

Được xem là một trong những tác phẩm hành động nổi bật nhất của điện ảnh Việt Nam những năm 2000, Dòng máu anh hùng hội đủ đầy đủ những yếu tố từ nội dung hấp dẫn, diễn viên xuất sắc, bối cảnh mãn nhãn, sự chú ý ở quốc tế.

Sau một năm rưỡi thực hiện và ra mắt trong năm 2007, bộ phim đem lại trải nghiệm hoàn toàn mới cho khán giả, giữa bối cảnh rạp Việt chỉ quanh đi quẩn lại những dự án phim kinh phí thấp. Không ít đánh giá cho rằng bộ phim đạt tiêu chuẩn của Hollywood, mở ra nguồn cảm hứng cho dòng phim hành động thuần Việt.

Bộ phim Việt chết yểu, nhà sản xuất vỡ nợ, điêu đứng ảnh 1

Johnny Trí Nguyễn và Ngô Thanh Vân đóng chính trong Dòng máu anh hùng (2007).

Thành công về mặt nghệ thuật, đưa các diễn viên như Ngô Thanh Vân, Johnny Trí Nguyễn lên hàng sao, ấy vậy bộ phim phải chịu cảnh thua lỗ nặng nề, đến nỗi cố NSƯT Nguyễn Chánh Tín - nhà đầu tư Dòng máu anh hùng - phải lao đao, phá sản.

“Bom tấn” chết yểu của điện ảnh Việt

Lấy bối cảnh đất nước trong những năm kháng chiến chống Pháp năm 1922, Dòng máu anh hùng khắc họa những con người yêu nước dưới sự lãnh đạo của nhà cách mạng Đề Cảnh. Chính quyền Pháp khi đó đào tạo “chó săn” võ nghệ cao cường nhằm mục đích trấn áp phần tử nổi loạn, thủ lĩnh nghĩa quân Đề Cảnh là một trong số đó.

Trong lần ám sát Chánh Sở bất thành, Võ Thanh Thúy (Ngô Thanh Vân) – con gái Đề Cảnh bị bắt bởi hai tên sĩ quan “chó săn” Sỹ (Dustin Nguyễn) và Cường (Johnny Trí Nguyễn). Tìm cách chinh phục Thúy, tiêu diệt Đề Cảnh, Cường được gài làm gián điệp.

Chứng kiến tình yêu nước của Thúy, Cường bị chinh phục, giúp cô vượt ngục, đối đầu với chính đồng đội cũ của anh.

Bộ phim Việt chết yểu, nhà sản xuất vỡ nợ, điêu đứng ảnh 2Bộ phim Việt chết yểu, nhà sản xuất vỡ nợ, điêu đứng ảnh 3Bộ phim Việt chết yểu, nhà sản xuất vỡ nợ, điêu đứng ảnh 4Bộ phim Việt chết yểu, nhà sản xuất vỡ nợ, điêu đứng ảnh 5

Toàn bộ phần kỹ thuật, hậu kỳ phim Dòng máu anh hùng được thực hiện tại nước ngoài. Ê-kíp làm phim chủ yếu là Việt kiều.

Ở thời điểm năm 2007, tác phẩm có kinh phí gần 1,5 triệu USD (khoảng 27 tỷ đồng), đồ sộ hơn gấp nhiều lần đối với phim Việt cùng thời. Hãng Chánh Phương của cố NSƯT Nguyễn Chánh Tín dồn tâm sức, tiền bạc cho bộ phim với mong muốn chất lượng đạt đến trình độ ngang hàng với nền điện ảnh lớn trong khu vực, tính riêng trang phục lên tới 300 bộ. Cố nghệ sĩ thế chấp nhà vay ngân hàng 8,3 tỷ đồng.

Cái khó chồng chất, Dòng máu anh hùng được gửi đi nhiều liên hoan phim quốc tế nhưng chịu cảnh bị ăn cắp trắng trợn. Bộ phim bị rò rỉ, sao chép tràn lan, ảnh hưởng đến doanh thu cũng như quá trình phát hành ở nước ngoài và DVD. Tác phẩm hành động lỗ nặng, thêm vào việc không cầm cự được ở một số danh mục đầu tư kinh doanh khác, Chánh Tín chấp nhận mất nhà cho ngân hàng, chịu cảnh ở thuê.

Không riêng gì nhà sản xuất Chánh Tín, đạo diễn Charlie Nguyễn cũng vất vả bù lỗ, từ bỏ ý định thực hiện các phần tiếp theo. Anh chia sẻ đến năm 2023 mới trả hết được khoản thua lỗ.

Thấy gì từ doanh thu 10 tỷ đồng cách đây 17 năm?

Doanh thu theo thống kê khoảng 3 tuần công chiếu rơi vào mức 4 tỷ đồng - con số khá ấn tượng với phim Việt ra rạp trái vụ Tết khi ấy, nhưng không duy trì cơn sốt được lâu. Tổng kết, Dòng máu anh hùng mang về 10 tỷ đồng khi chiếu trong nước, chưa kể ăn chia với rạp phim. So với kinh phí đầu tư, doanh thu chưa bằng 1/2. Do bị đánh cắp bản quyền, tác phẩm không mấy khởi sắc khi chiếu ở thị trường nước ngoài.

Ước tính các phim chiếu rạp cùng năm với Dòng máu anh hùng cũng thu về tiền tỷ dù vốn đầu tư chỉ loanh quanh dưới 5 tỷ đồng. Võ lâm truyền kỳ đạt khoảng 13 tỷ đồng, Áo lụa Hà Đông khoảng 4 tỷ đồng, Trai nhảy thu 9 tỷ đồng, Chuông reo là bắn thu 7 tỷ đồng...

Trong bối cảnh phim Việt chiếu rạp ngày nay, nhưng nhiều phim có chất lượng cao vẫn nhận trái đắng khi cạnh tranh với thị trường trong nước.

Bộ phim Việt chết yểu, nhà sản xuất vỡ nợ, điêu đứng ảnh 6Bộ phim Việt chết yểu, nhà sản xuất vỡ nợ, điêu đứng ảnh 7

Rõ ràng, doanh thu chưa thể nói lên chất lượng phim. Năm 2023, hai phim Việt được giới phê bình đánh giá cao là Thành phố ngủ gật, Bên trong vỏ kén vàng chỉ thu về lần lượt 230 triệu đồng và 1,1 tỷ đồng. Phim về ẩm thực Muôn vị nhân gian do đạo diễn Trần Anh Hùng thực hiện, được khen tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 76, cũng chỉ khiêm tốn thu về hơn 3 tỷ đồng khi chiếu ở rạp Việt Nam.

Thời gian qua, nhiều nhà sản xuất sốc khi vé ế ẩm, thua lỗ nặng nề vì kịch bản bị chê. Gần nhất, phim Đóa hoa mong manh của Mai Thu Huyền rời rạp sau ba tuần công chiếu, chỉ thu về hơn 430 triệu đồng. Thành tích bết bát này, Mai Thu Huyền từng bức xúc cho rằng tác phẩm của cô quá ít suất chiếu, bị ép vào khung giờ xấu. Trong khi đó, Xuân Lan - nhà sản xuất phim Cái giá của hạnh phúc - lên tiếng cầu cứu khán giả, lo sợ phim bị lỗ vốn, dù phim Thái Hòa đóng chính - nam diễn viên được coi là bảo chứng phòng vé.

Với chất lượng mãn nhãn từ Dòng máu anh hùng, nhiều khán giả cho rằng bộ phim ra đời sai thời điểm, nếu không cũng sẽ bội thu về doanh số, nhất là đặt trong tương quan thị trường phim Việt những năm qua.

Cần doanh thu 200 tỷ đồng để Dòng máu anh hùng hòa vốn

Trong khuôn khổ của Liên hoan phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (HIFF) 2024, đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết nếu chiếu ở thời điểm hiện tại, Dòng máu anh hùng cần đạt mức 200 tỷ đồng mới hòa vốn.

Đến nay, đạo diễn có 5 kịch bản Dòng máu anh hùng phần hai, vẫn là dòng phim võ thuật nhưng có màu sắc chiến tranh, nhiều đại cảnh hơn, xảy ra trên sông nước nhiều hơn ở miền Tây. Tuy nhiên, Charlie Nguyễn nói viết vì yêu thích, thành sự thật hay không còn cần nhiều yếu tố.

Mới đây, đạo diễn cho hay sẵn sàng tung phiên bản Redus (phiên bản mở rộng) của Dòng máu anh hùng nếu có cơ hội phát hành lại.

Tin liên quan