Trước câu hỏi “Hiện nay nhiều trường THPT đã tiến hành ôn tập, nhưng chưa có cấu trúc đề thi nên còn lúng túng?”, về vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa- Phó Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục nhấn mạnh, đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, với 2 mục đích.
“Vì thế đề thi sẽ có 2 nhóm câu hỏi, một nhóm tương đương đề thi THPT, bảo đảm những em học sinh trung bình cũng có thể làm được bài và đạt tốt nghiệp. Nhóm thứ 2 tương tự câu hỏi phân loại, giống đề thi ĐH-CĐ. Hướng đề thi giống như năm 2014. Thí sinh có thể tham khảo đề thi tốt nghiệp và thi ĐH-CĐ năm trước để ôn luyện. Tới đây Bộ sẽ công bố công khai đề thi minh họa để thí sinh biết”- ông Nghĩa cho biết thêm.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, đề thi 2014 năm trước đáp ứng được yêu cầu phân loại học sinh. Đề thi năm nay sẽ không có sự khác biệt so với năm ngoái, vì vậy thí sinh cứ yên tâm ôn tập.
Trả lời câu hỏi về lo lắng có thể tháo khoán tại cụm thi tỉnh, Bộ đã tính toán điều này chưa? Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ GD&ĐT đã tính toán điều này trước khi ra phương án thi cụm tỉnh?
“Bộ đã phân tích đề thi, kết quả thi, phổ điểm của các năm trước. Cho thấy phổ điểm của học sinh phân bố hợp lý. Trước đây có hiện tượng tháo khoán, nhưng giờ đã khác, thi nghiêm túc hơn, đề thi hợp lý hơn. Vì vậy thi cụm tỉnh chắc chắn cũng sẽ nghiêm túc hơn”, ông Hiển nói.
Cũng theo ông Hiển, công tác chấm thi thực hiện như quy chế. Sẽ có chấm thử ở tại mỗi hội đồng để rút kinh nghiệm trước khi chấm. Công tác chấm thi không khác so với mọi năm.
Trúng NV1 thì không được đăng ký NV bổ sung
Theo Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, sau khi có kết quả thi, mỗi thí sinh được cấp bốn giấy chứng nhận kết quả thi, trong đó có một giấy dùng để xét tuyển sinh nguyện vọng (NV) 1 và ba giấy dùng để xét NV bổ sung.
Cũng theo ông Nghĩa, trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) để nộp vào trường khác. Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường, hội đồng tuyển sinh trường xem xét, quyết định phương án điểm trúng tuyển.
Thí sinh đã trúng tuyển NV1 không được ĐKXT ở các đợt xét tuyển tiếp theo. Nếu không trúng tuyển theo NV1, thí sinh dùng đồng thời cả 3 giấy vào tối đa 3 trường mỗi trường 4 NV, như vậy mỗi thí sinh sẽ có tối đa 12 NV.
“Vì thế, sau khi có kết quả thi, các em phải hết sức cân nhắc. Điều này dựa trên các cơ sở nào? Đó là cơ sở về số điểm thi, kèm theo đó là tham khảo điểm trúng tuyển vào trường ở những năm trước kia. Căn cứ vào đó, điểm thi phải cao hơn điểm các năm trước từ 1 -2 điểm. Nếu xét thấy không có khả năng trúng thì có thể rút để chọn trường khác phù hợp với điểm số hơn”- Ông Nghĩa cho biết thêm.
Quy định miễn thi ngoại ngữ đối với các chứng chỉ quốc tế có được xét miễn đối với việc xét tuyển đại học, cao đẳng?
Ông Trần Văn Nghĩa: Tuyển sinh vào đại học, cao đẳng là quyết định của các trường đại học nên các trường hoặc có thể chấp nhận chứng chỉ quốc tế hoặc là buộc thí sinh phải dự thi. Hiện nay phần lớn các trường tốp trên đều yêu cầu thí sinh tham gia thi, chỉ một số trường chấp nhận một số chứng chỉ bằng quốc tế.