Theo đó, Bộ yêu cầu các sở tổ chức học tập quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phổ biến quy chế thi đến phụ huynh, chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện quy chế.
Chỉ đạo các trường THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch của các sở GD&ĐT. Tuyệt đối không được cắt xén chương trình đã quy định.
Tổ chức nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh học kỳ II và cả năm học theo đúng quy định, bảo đảm khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực thực chất của học sinh.
Công văn của Bộ quy định, nội dung thi THPT quốc gia nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Bộ GD&ĐT không phát hành tài liệu ôn tập kỳ thi THPT quốc gia và không có quy định bắt buộc giáo viên, học sinh phải sử dụng tài liệu tham khảo cụ thể nào.
Bộ cũng yêu cầu các sở chỉ đạo các trường THPT, các trung tâm GDTX thực hiện các giải pháp hiệu quả, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng học sinh nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi quốc gia năm 2015. Sau khi kết thúc năm học theo kế hoạch thì viêc ôn tập của học sinh được thực hiện theo hướng tăng cường thời gian cho học sinh tự học.
Tổ chức việc ôn tập đảm bảo thời gian, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, quan tâm việc giúp học sinh nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức theo tinh thần của công văn số 8773/BGĐT-GDTH về việc hướng dẫn biên soạn đề kiểm tra theo ma trận với 4 mức độ yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Đề thi các môn xã hội: Tăng cường các câu hỏi mở
Cũng trong hướng dẫn này của Bộ GD&ĐT, việc ôn tập cần chú ý các yêu cầu chỉ đạo mới về dạy và học đã nêu tại nhiệm vụ hướng dẫn năm học.
Trong đó, đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội. Đối với môn ngoại ngữ cần coi trọng việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực giao tiếp với các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết.
Nhà trường cần chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp chủ động phối hợp với giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp để phân nhóm học sinh lớp mình theo khả năng nhận thức, theo các môn thi tự chọn; báo cáo với lãnh đạo nhà trường chọn, cử giáo viên có khả năng, kinh nghiệm, nhiệt tình để hướng dẫn ôn tập. Quan tâm giúp đỡ học sinh học lực yếu, vận động những học sinh khá giỏi hỗ trợ thêm, giúp những học sinh này nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của chương trình.
Đối với học sinh khá, giỏi cần có thời gian ôn tập linh hoạt, tăng cường tự học có sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn. Nhà trường cần hỗ trợ cho học sinh tự học, như tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tài liệu bổ trợ, và giải đáp thắc mắc cho học sinh.
Các trường THPT, các trung tâm GDTX chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phải thống nhất với học sinh và cha mẹ học sinh để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe của học sinh, ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải.
Cũng theo hướng dẫn này, việc tổ chức học thêm nếu có để phục vụ ôn thi phải thực hiện đúng quy định của Bộ GD&ĐT và địa phương, đặc biệt là đảm bảo tính tự nguyện của học sinh và tính hiệu quả của nội dung dạy học.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu, không được tổ chức phát hành, ép buộc học sinh mua các tài liệu tham khảo nói chung, các bộ sách ôn tập kỳ thi THPT quốc gia nói riêng.