Theo thông tin từ Bộ Công Thương, đoàn kiểm tra của bộ đã phối hợp với nhiều đơn vị chức năng như công an, quản lý thị trường, tài chính thực hiện kiểm tra, hậu kiểm đối với khoảng 10 doanh nghiệp từ trước Tết Nguyên đán. Đến nay, việc kiểm tra đã hoàn tất.
Kết quả kiểm tra cho thấy, có một số doanh nghiệp bị phát hiện có "dấu hiệu" vi phạm các quy định trong kinh doanh xăng dầu như: Không đảm bảo điều kiện kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu; có hiện tượng buôn lậu xăng dầu, mua bán hóa đơn.
Thậm chí còn có trường hợp doanh nghiệp đầu mối xăng dầu buôn tài chính, sử dụng giấy phép kinh doanh xăng dầu để huy động vốn ngân hàng, không thực hiện đúng chức năng kinh doanh xăng dầu.
Trao đổi với Tiền Phong, một quan chức Bộ Công Thương cho hay, các doanh nghiệp xăng dầu bị kiểm tra nằm trên phạm vi cả nước nhưng tập trung nhiều ở khu vực miền Nam.
Theo vị này, các đơn vị sẽ có báo cáo lãnh đạo bộ xem xét, quyết định hướng xử lý với những doanh nghiệp có vi phạm bị phát hiện. Dự kiến có 4-5 doanh nghiệp sẽ bị rút giấy phép, trong đó có cả những doanh nghiệp đã được cấp phép rất lâu và chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân.
“Mặc dù sẽ chịu sức ép trong quá trình làm nhưng quan điểm là phải làm nghiêm”, vị này cho hay.
Theo một chuyên gia trong ngành công thương, xăng dầu là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nghiêm ngặt nhưng cũng là lĩnh vực mang lại lợi nhuận rất lớn cho những người tham gia thị trường.
Theo vị này, có nhiều hình thức thu lợi nhuận đằng sau việc doanh nghiệp được cấp phép tham gia kinh doanh xăng dầu. Việc lợi dụng giấy phép kinh doanh, cho doanh nghiệp, đại lý chưa đủ điều kiện thuê kho, bồn chứa; ký hợp đồng mua bán xăng dầu số lượng lớn để vay vốn ngân hàng rồi tận dụng thời gian trả chậm để quay vòng vốn… là những chiêu khá phổ biến được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Còn với những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đi theo con đường làm xăng giả, buôn lậu thì lợi nhuận hàng năm lên tới nghìn tỷ là hết sức bình thường.
Kết quả kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho thấy, có 23/38 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có doanh thu năm 2019 đạt trên 1.000 tỷ đồng. Trong số này có 8 doanh nghiệp có doanh thu thuần trên 10.000 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp tư nhân khá kín tiếng trước truyền thông nhưng doanh thu và lợi nhuận kinh doanh hàng năm khá tốt. Điển hình như Công ty TNHH Hải Linh (trụ sở tại Khu 2, xã Sông Lô, thành phố Việt Trì, Phú Thọ) năm 2019 có doanh thu thuần đạt 18.880 tỷ đồng. Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà (trụ sở tại Thái Bình), Hải Hà nổi tiếng trong lĩnh vực xăng dầu cũng như tham gia kinh doanh, đầu tư vào bất động sản, dược phẩm. Công ty có vốn điều lệ 356 tỷ đồng tính đến tháng 6/2020 và đạt doanh thu thuần 15.807 tỷ đồng trong năm 2019. Một đại gia xăng dầu khác trong ngành phải kể đến là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng (trụ sở chính tại 12A Nguyễn Thị Huỳnh, phường 8, quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng đạt doanh thu thuần năm 2019 đạt gần 10.383 tỷ đồng.
Một đơn vị khác cũng lọt top “Câu lạc bộ” trên 10.000 tỷ là Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch xuyên Việt Oil (trụ sở tại số 465-467 Hai Bà Trưng, phường 8, quận 3, TP.HCM), với doanh thu thuần 11.177 tỷ đồng. Dù vốn chủ sở hữu Xuyên Việt Oil chỉ vỏn vẹn hơn 44,3 tỷ đồng nhưng tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản công ty lên tới 10.047 tỷ đồng,
Các doanh nghiệp xăng dầu cũng đạt mức doanh thu năm 2019 tính bằng nghìn tỷ khác phải kể đến là Công ty CP Thương mại, Tư vấn, Đầu tư, Xây dựng Bách Khoa Việt (doanh thu thuần 5.948 tỷ đồng); Công ty CP Xuất nhập khẩu nhiên liệu Đông Đô (doanh thu thuần 5.406 tỷ đồng); Công ty CP Đầu tư Nam Phúc (doanh thu thuần 4.364 tỷ đồng); Công ty CP Xăng dầu và Dịch vụ Hàng hải S.T.S (doanh thu 2.899 tỷ đồng) và Công ty CP Nhiên liệu Phúc Lâm (doanh thu thuần 2.260 tỷ đồng).