Theo ông Phạm Tuấn Anh, thực tế cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cũng như công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn còn yếu về nội lực, nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp FDI khi tham gia chuỗi cung ứng. Đặc biệt, trong sản xuất, các doanh nghiệp vẫn chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu và vẫn phụ thuộc chủ yếu và nguyên liệu nhập khẩu dẫn đến giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, thiếu sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, sự chuyển dịch trong sản xuất công nghiệp chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI chứ không phải do các doanh nghiệp nội địa.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước vá các lỗ hổng về cơ chế, chính sách, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã xây dựng các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trình các cấp có thẩm quyền. Bộ cũng hoàn thiện báo cáo tổng kết và các chuyên đề chuyên sâu về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gửi Ban Kinh tế Trung ương để tổng hợp cũng như tham gia xây dựng đề án công nghiệp hóa của Ban Chấp hành Trung ương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương đã hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 111 về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, Bộ cũng dự thảo và dự kiến triển khai nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển. Bộ cũng hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hỗ trợ phát triển công nghiệp và được Chính phủ thông qua chủ trương.