Bộ Công an: Đấu tranh, làm rõ thông tin chi tiền tỷ nâng điểm thi

Ông Lương Tam Quang
Ông Lương Tam Quang
TPO - Chánh văn phòng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, hiện cơ quan chức năng đang đấu tranh làm rõ chứng cứ thông tin chi tiền tỷ nâng điểm trong tiêu cực thi cử.

Cụ thể, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019, báo chí đặt câu hỏi cho Bộ Công an và Bộ GD&ĐT về các vụ việc tiêu cực thi cử thời gian qua, trong đó có thông tin liên quan đến chi vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng để nâng điểm cho thí sinh...

Về vấn đề này, Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, hiện đã khởi tố 3 vụ tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Trong đó 2 tỉnh Hà Giang, Sơn La giao cho cơ quan điều tra của 2 tỉnh xử lý, còn tại Hòa Bình do Cơ quan điều tra của Bộ Công an xử lý.

Để đảm bảo xử lý kịp thời các vụ án này đúng thời hạn theo quy định, trước mắt cơ quan điều tra đã kết luận điều tra và đề nghị truy tố bị can đã xác định rõ các hành vi như lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhiệm vụ được giao can thiệp sửa chữa đề thi để khẩn trương đưa ra truy tố xét xử đúng quy định.

Về thông tin đưa nhận tiền từ người nhà thí sinh cho các bị can trong vụ án, cơ quan điều ra cũng có thông tin, qua quá trình đang thu thập đấu tranh để có thêm tài liệu chứng cứ theo quy định pháp luật hoặc có lời khai về hoạt động đưa nhận tiền.

"Cơ quan điều tra chưa có đủ căn cứ để kết luận có việc đưa nhận tiền. Hiện chúng tôi đang đấu tranh để làm rõ chứng cứ", người phát ngôn Bộ Công an khẳng định.

Trao đổi về Kỳ thi THPT quốc gia, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD&ĐT đã xây dựng đề án đổi mới giáo dục phổ thông trong đó đặc biệt nhấn mạnh đổi mới thi cử, đánh giá thí sinh. Mục đích của việc đổi mới thi là tạo điều kiện để giúp khắc phục những khó khăn ở hình thức thi cũ trước đây và vẫn bảo đảm công bằng mà giảm áp lực đến thí sinh.

“Bộ cũng cân nhắc đến việc báo chí hỏi. Thứ nhất việc bỏ kỳ thi THPT quốc gia, điều này không được vì điều này là trái với luật giáo dục. Trong luật ghi rõ là học sinh đủ điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT được quyền dự thi và nếu đủ điều kiện thì được đỗ tốt nghiệp và được giám đốc sở công nhận, cấp bằng tốt nghiệp THPT. Cho nên việc đầu tiên là thi để công nhận tốt nghiệp cho học sinh.

Điều này cũng đã được cân nhắc, vì trong hệ thống giáo dục phổ thông, tiểu học, THCS là 2 cấp học khác nhau. Đến luật GD 2005 đã bỏ thi tốt nghiệp 2 cấp học này, chỉ còn kỳ thi duy nhất là thi THPT. Đây cũng là một trong những kỳ thi rất quan trọng của các em học sinh. Hơn nữa, cả quá trình học mà không có kỳ thi thì các em sẽ giảm động lực học tập. Cho nên Bộ thấy cần phải tổ chức kỳ thi theo đúng luật”, ông Độ nói.

Ông Độ cũng cho biết, đây là kỳ thi “2 trong 1”, vừa lấy kết quả để xét tốt nghiệp và cũng là cơ sở để cho các trường đại học có thể dựa vào đó để tuyển sinh.

Theo luật Giáo dục đại học, các trường đại học được quyền tự chủ về tuyển sinh và tự chịu trách nhiệm về việc này. Cho nên việc Bộ tổ chức thi đại học như trước là không phù hợp, chỉ có thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

“Có thể nói, đề án đã được phê duyệt, cho phép thực hiện đến năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi đã làm và cũng qua quá trình triển khai sẽ tiếp thu ý kiến của nhân dân để sau 2020 có những điều chỉnh phù hợp thực tế hơn”, ông Độ nói.

MỚI - NÓNG