Bỏ biên chế giáo viên: 10 câu hỏi không dễ trả lời cho Bộ trưởng giáo dục

Thầy Trần Trung Hiếu – Giáo viên Sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu ( Nghệ An) .
Thầy Trần Trung Hiếu – Giáo viên Sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu ( Nghệ An) .
Thầy Trần Trung Hiếu – Giáo viên Sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu ( Nghệ An) đã viết tâm thư gửi đến cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ 10 câu hỏi không dễ trả lời.

Trong những ngày vừa qua, đất nước đang trải qua những ngày nắng nóng vượt ngưỡng trên 40 độ.Tuy nhiên, việc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tuyên bố ý tưởng, chủ trương bỏ biên chế giáo viên đã tạo nên sức nóng kinh khủng trong dư luận xã hội và đội ngũ cán bộ, giáo viên trên toàn quốc.

Dù đang đối mặt với quá nhiều khó khăn, thánh thức và cả những áp lực không hề nhỏ nhưng Bộ trưởng vẫn thể hiện quyết tâm thực hiện thí điểm này, dù có vẻ như quan điểm của Bộ trưởng đã có sự điểu chỉnh theo thời gian với chiều hướng hợp lý hơn. Có thể đó là chút hy vọng nhỏ nhoi sau nhiều sự thất vọng của nhân dân qua nhiều cải cách không thành của ngành trong những năm gần đây.

Với góc độ là một giáo viên trong ngành, quan điểm trước sau của tôi là không thay đổi, luôn ủng hộ Nghị quyết 29 của TƯ Đảng về “đổi mới căn bản và toàn diện” ngành giáo dục, luôn đồng cảm, sẽ chia với trách nhiệm quá nặng nề của cá nhân Bộ trưởng.

Với tinh thần trách nhiệm của một viên chức, tôi xin kính gửi tới Bộ trưởng một số câu hỏi trên tinh thần sẻ chia, góp ý và xây dựng. Rất mong Bộ trưởng xem đây như là nỗi niềm, sự trăn trở của cá nhân tôi cũng như rất nhiều viên chức là đồng nghiệp của tôi.

1. Kính thưa Bộ trưởng, Luật Giáo dục hiện hành và nhiều văn bản mang tính pháp quy của Đảng và Nhà nước chúng ta đã khẳng định:“ Giáo dục là quốc sách là hàng đầu”.

Vậy, phải chăng ý tưởng bỏ biên chế là một chủ trương mang tính “đột phá” đầu tiên để đổi mới giáo dục mà Bộ GD&ĐT có phải là ngành đi tiên phong trong việc triển khai Luật Viên chức năm 2010 ?

Chủ trương bỏ biên chế sang hợp đồng lao động không phải xa lạ đối với các nước phát triển và cũng không còn mới mẻ đối với Việt Nam. Cá nhân tôi cho rằng, việc bỏ biên chế trong ngành giáo dục là một hướng đi đúng, một chủ trương táo bạo. Nếu được nghiên cứu kỹ lưỡng, chuẩn bị chu đáo, triển khai đúng lộ trình và đồng bộ, dân chủ, minh bạch thì sẽ một động lực, một lực đẩy vô cùng quan trọng và tích cực trong công cuộc cải cách kinh tế- xã hội của đất nước.

Nhưng, trong bối cảnh hiện tại của đất nước, của ngành giáo dục thì việc triển khai chủ trương này có lẽ sẽ chưa phù hợp và thiếu tính khả thi. Nói một cách khác, đây là một bài Toán khó mà để “hóa giải” nó cần đồng thuận, đồng lòng, đồng sức của toàn xã hội.

Tôi không dám trả lời thay Bộ trưởng, những chỉ xin được chia sẻ với Bộ trưởng rằng, giáo dục là một ngành đặc thù và trường học càng không thể là một doanh nghiệp, một công ty để dễ dàng thay lao động này bằng một lao động khác mà Bộ trưởng đã nói “có vào, có ra”.

Để đào tạo một giáo viên sư phạm đòi hỏi 3 đến 4 năm và để họ có thể đứng lớp được cũng cần phải có một thời gian mới có thể thích ứng, bới giáo dục muốn có chất lượng cũng đòi hỏi có tính ổn định nhất định.

2. Trong các phát biểu của Bộ trưởng trước các cơ quan truyền thông gần đây, tôi thấy Bộ trưởng vẫn quyết tâm thực hiện ý tưởng này. Tôi muốn hỏi, theo quan điểm của Bộ trưởng thì những trường THPT nào được xem là trường “đủ điều kiện” để triển khai thí điểm bỏ biên chế ? Và đó là những điều kiện nào? Là cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hay điều kiện về cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, công nhân viên?

3. Công việc đánh giá, phân loại đội ngũ giáo viên trong một trường học sẽ cần dựa vào những tiêu chí nào để xếp hạng những giáo viên nào không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ để cho ra khỏi guồng biên chế? Một ví dụ nhỏ là 1 tổ chuyên môn có 10 giáo viên, khi đánh giá chuyên môn để xếp theo hàng dọc thì ai xếp số 1, ai xếp hạng cuối là điều vô cùng khó khăn. Vậy xếp loại năng lực chuyên môn họ ra sao, ai sẽ là người phải ra khỏi biên chế ?

4. Bộ trưởng đã tính đến phương án cụ thể như thế nào khi có nhiều giáo viên có nhiều thời gian vất vả, gian khó gắn bó với ngành, với nghề, với cơ quan bị chuyển sang chế độ hợp đồng không ? Chế độ, chính sách về tiền lương đối với họ sẽ như thế nào sau khi chấm dứt hợp đồng ?

5. Liệu có công bằng không, có phạm Luật Viên chức, Luật Lao động… khi chỉ triển khai bỏ biên chế với giáo viên, còn cán bộ quản lý thì không?

Tôi cho rằng, cán bộ quản lý là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng cũng chỉ là người làm công ăn lương giống như giáo viên thì việc giáo viên và cán bộ quản lý cũng phải bình đẳng trước luật khi chuyển sang chế độ hợp đồng lao động. Đã làm theo luật, đã bỏ biên chế thì phải (chứ không phải dùng từ “nên”) thực hiện thí điểm từ trên xuống dưới, từ cơ quan Bộ GD&ĐT đến các cơ sở giáo dục địa phương, từ cán bộ quản lý đến giáo viên.

6. Bộ trưởng có dám khẳng định như đinh đóng cột rằng, những cán bộ quản lý, giáo viên không thể đáp ứng được nhiệm vụ trong 1 trường học khi họ thuộc diện “con ông, cháu cha”, thậm chí là người nhà của Bộ trưởng, Thứ trưởng, Cục trưởng…, liệu Bộ trưởng có thể cho họ ra khỏi biên chế không ?

7.Tôi muốn hỏi Bộ trưởng là trong quá trình thực hiện thí điểm, Bộ trường có dám khẳng định là sẽ triệt tiêu được các tiêu cực hay không liên quan đến việc từ chỗ “chạy biên chế” như hiện nay sẽ chuyển sang “chạy hợp đồng” ? Tôi khẳng định là sẽ có tiêu cực khi thực hiện công việc này.

Bởi vì người nào cũng muốn danh dự gắn liền với quyền lợi, với miếng cơm manh áo và cao hơn hết là danh dự của một nhà giáo. Trước đây, “chạy biên chế” chỉ có một lần, còn bây giờ “chạy hợp đồng” sẽ diễn ra nhiều lần và năm nào cũng phải “chạy” nếu muốn “trụ hạng”. Giáo viên vốn đã nghèo khó, lắm áp lực kèm theo rất nhiều thủ tục hành chính, họ sẽ lấy tiền đâu ra để “chạy”?

8. Nếu bỏ biên chế sang hợp đồng cho giáo viên thì người đứng đầu có thẩm quyền ký hay chấm dứt hợp đồng với giáo viên là ai, Hiệu trưởng hay Giám đốc Sở? Nếu ký hay chấm dứt hợp đồng với đối tượng cán bộ quản lý của một trường học thì cơ quan nào có đủ thẩm quyền quyết định? Liệu quy trình này có dân chủ không, minh bạch không?Có là nguyên nhân chính dẫn đến “chuyên quyền” hay “lạm quyền” vì vụ lợi của Hiệu trưởng, Giám đốc không ? Cơ quan nào sẽ giám sát quy trình này?

9. Chế độ đãi ngộ của ngành sẽ như thế nào để giữ được đội ngũ giáo viên giỏi trong một cơ quan, trường học? Nếu những cán bộ quản lý và giáo viên đã đến tuổi được nghỉ hưu theo chế độ nhưng có trình độ quản lý và chuyên môn, còn sức khỏe và tâm huyết với nghề thì họ có được hợp đồng để tiếp tục công tác và cống hiến không ?

10. Tôi cho rằng, nếu chủ trương bỏ biên chế này bị “sa lầy”, thậm chí là thất bại thì hậu quả sẽ rất tai hại và nguy hại nhất là gây nên sự xáo trộn về tâm can, sự khủng hoảng về niềm tin và đảo lộn về trật tự đội ngũ của ngành giáo dục. Và khi đó, ai sẽ là người nhận trách nhiệm và chịu hậu quả này?

Bài học về sự thất bại của các chủ trương, dự án, đề án cải cách giáo dục của các vị đồng cấp tiền nhiệm trong nhiều năm gần đây đã để lại nhiều hậu quả về hao tốn ngân sách của quốc gia, không lẽ không có ích gì cho Bộ trưởng hay sao ?

Tôi nghĩ rằng, nếu điểm danh lại các Chủ trương, Chương trình, Đề án, Dự án cải cách giáo dục không thành công trong những năm gần đây thì không ai không thấy lãng phí và  xót xa cho ngân sách quốc gia vì sự không khả thi của nó. Chủ trương “Hai không” bắt đầu triển khai từ năm học 2006-2007; như Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 năm 2008 với 9.378 tỉ đồng; Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) triển khai từ đầu năm 2013 với tổng số vốn được phê duyệt là 87,6 triệu USD; Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cuối năm 2015… sẽ là những bài học đắt giá cho những “quyết sách” mang dấu ấn của những người tiền nhiệm để lại cho Bộ trưởng 1 trách nhiệm rất nặng nề để khắc phục gánh nặng và hậu quả tai hại đó không dễ gì gánh nổi và không dễ gì vượt qua.

Để có cơ sở thực tiễn trả lời được các câu hỏi đó của tôi, tôi mong Bộ trưởng nên :

Thứ nhất, luôn đặt mình, vợ con mình, cháu chắt mình trong tâm thế một giáo viên ở một cơ quan trường học sắp bị thí điểm bỏ biên chế sang chế độ hợp đồng.

Thứ hai, xin Bộ trưởng cứ “vi hành” đến các trường phổ thông sẽ thấy, nghe họ nói gì, muốn gì, mong gì từ chủ trương này của Bộ. Đó mới chính là lời nói thật, người thật, việc thật và rất khách quan.

Thứ ba, xin Bộ trưởng đừng vội nghe những thông tin một chiều, những tham mưu vớ vẩn, những lời xu nịnh có cánh của những kẻ vụ lợi vì “lợi ích nhóm”.

Hiện nay ngành giáo dục đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đan xen cả thời cơ, vận hội trong bối cảnh chúng của đất nước với xu thế hội nhập, toàn cầu hóa.

Tôi trộm nghĩ, Bộ GD&ĐT nên dành thời gian, tâm lực, sức lực và nguồn lực để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng, nhức nhối mà người tiền nhiệm để lại. Cái cũ chưa giải quyết xong một cách thấu đáo và triệt để mà cái mới đã vội ra đời sẽ tạo nên một sự “bội thực” mang tên các “cải cách” trong ngành.

Đổi mới chứ đừng “đổi” nhưng không “mới”, đổi mới để phát triển cần sự ổn định chứ không nên tạo sự đảo lộn mà thành quả lại tạo nên các mẻ sản phẩm được mang tên các “thí điểm”, “thử nghiệm” từ học sinh sang giáo viên.

Theo tôi, việc quan trọng bây giờ là Bộ GD&ĐT nên tập trung có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện đúng lộ trình Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2017 mà các chuyên gia biên soạn chương trình này vẫn còn nhiều sự tranh cãi.

Sau đó, là tập trung vào biên soạn Chương trình cụ thể (chương trình bộ môn) đến công đoạn viết sách giáo khoa và thẩm định. Hiện nay, trong các bậc học từ mầm non đến đại học thì giáo dục phổ thông là bậc học có nhiều vấn đề nổi cộm nhất.

Chính vì thế, Bộ GD&ĐT nên giải quyết dứt điểm rồi mới nên tính chuyện thí điểm biên chế hay hợp đồng với giáo viên đáp ứng sự thay đổi của Chương trình và sách giáo khoa mới. Và cuối cùng, dù biên chế hay hợp đồng thì yếu tố quyết định cuối cùng mà nhân dân mong đợi là hiệu quả của chủ trương đó.

Theo Theo VTC News
MỚI - NÓNG