Ngày 27/5, đoàn giám sát của Quốc hội họp phiên thứ hai, nghe Chính phủ báo cáo và giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, có 11 địa phương sử dụng vượt 7.951 biên chế so với số biên chế công chức được giao. Nguyên nhân được xác định, do bổ sung chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật chuyên ngành và việc chia tách, thành lập mới các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, tinh giản biên chế thực tế rất khó, hầu như không cơ quan nào thực hiện được mà chủ yếu chỉ giải quyết cho những người đến tuổi nghỉ hưu. “Người không làm được việc vẫn ở trong bộ máy. Theo quy định, cứ 10 người nghỉ hưu được lấy 5 người thì 5 người ấy là những người đã chờ sẵn. Còn lại là đội ngũ đã lão hóa, cứ sống lâu lên lão làng, không thay đổi, không chuyển hóa được”, ông Lưu nhìn nhận.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, Nghị định 108 quy định về điều kiện tinh giản biên chế chưa hợp lý, trong đó chủ yếu là người đủ tuổi về hưu, còn những người làm việc không hiệu quả, không có kỷ luật kỷ cương thì không thể giảm được. Cuối cùng vẫn giữ lại trong bộ máy một bộ phận người làm việc chưa có hiệu lực, hiệu quả, chưa đảm bảo tiêu chuẩn, chức năng, điều kiện trình độ của cán bộ, công chức, đó là điều đáng suy nghĩ.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, số lượng cấp phó tại một số tổ chức hành chính còn vượt so với quy định. Tổ chức bộ máy bên trong của một số bộ, ngành vẫn còn biểu hiện cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian. Bình quân số thứ trưởng tại mỗi bộ ngành từ 8-12/2016 là 4,82, giảm so với con số? 5,55 của trước 7/2011. Số phó cấp cục, vụ bình quân giảm so với trước, tuy nhiên số phó cấp tổng cục và tương đương bình quân lại tăng từ 2,78 của năm 2011 lên 3,22 của năm 2016.
Theo ông Lưu, qua làm việc với 15 bộ, ngành và trực tiếp giám sát tại 15 tỉnh, thành phố, đoàn giám sát nhận thấy, tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước còn cồng kềnh, tầng nấc, chưa thực sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan còn có sự giao thoa, chồng chéo, chưa thực sự hợp lý.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, để tinh gọn bộ máy và biên chế, phải có cách nhìn, quan điểm nhất quán, tổng thể. Đặt câu hỏi: Có nhất thiết việc gì cơ quan quản lý nhà nước cũng đều phải trực tiếp tham gia không? Ông Lưu cho rằng, có những việc phải chuyển ra cho khu vực xã hội, khu vực tư nhân, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hoặc thực hiện cơ chế một người có thể kiêm nhiệm nhiều vị trí, chức danh.