Đà Nẵng: Càng hô hào giảm, biên chế càng tăng

TP - Ngày 26 và 27/4, tại TP Đà Nẵng, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 làm việc với UBND TP và UBND các quận Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) giám sát thực hiện chính sách pháp luật và cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 tại đây.

Lãnh đạo các quận của TP Đà Nẵng trình bày nhiều khó khăn trong việc tinh giản biên chế, bố trí cán bộ các phòng ban. Ông Lê Anh, Chủ tịch quận Hải Châu cho rằng, câu chuyện để cán bộ về hưu là quá khó để xử lý, dễ đụng chạm nhiều thứ.  Thành phố cũng phải có chế độ chính sách cho họ, ít ra là khoảng 300 triệu đồng. Hiện quận Hải Châu đang thiếu biên chế, nhưng chưa tuyển dụng được vì chưa đến thời điểm theo quy định.

Về chuyện tinh giản biên chế, chủ tịch quận Hải Châu cho rằng, chỉ cần cho ông tuyển 5 người cũng làm hết việc của 25 người. Hiện văn phòng UBND quận có 25 người nhưng đều là người của thế hệ trước để lại.

Trong khi đó, lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn cho rằng, việc tái lập HĐND cấp quận khiến bộ máy UBND và HĐND có điểm không thực tế. Đề nghị xem xét điều chỉnh luật chính quyền địa phương cho phù hợp.Quận Ngũ Hành Sơn, hiện UBND có 1 chủ tịch và 2 phó chủ tịch là quá thiếu. Còn bên HĐND ngoài bí thư, phó bí thư, chủ tịch (kiêm nhiệm) còn có 2 phó chủ tịch HĐND, ngoài ra còn có các phòng ban chuyên trách. Bộ máy như thế là quá thừa.

Sở y tế Đà Nẵng là đơn vị đang có nhiều phó giám đốc nhất. Ngoài giám đốc sở  là bà Ngô Thị Kim Yến, sở này còn có 5 phó Giám đốc: gồm Trần Văn Nhật, Nguyên Út, Nguyễn Tấn Hải, Trần Ngọc Thạnh, Nguyễn Tiên Hồng. Lý giải việc này, lãnh đạo Đà Nẵng cho rằng, có nhiều nguyên nhân trong đó có lịch sử để lại. Đà Nẵng sẽ điều chỉnh và sắp xếp lại trong thời gian tới để đảm bảo còn 3 người theo quy định. Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cũng có 4 phó giám đốc.

Đà Nẵng hiện có 1 chủ tịch UBND TP và 4 Phó chủ tịch. Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch TP Đà Nẵng cho rằng, việc có quá nhiều cuộc họp, họp hành liên miên nên dẫn đến phát sinh nhiều cấp phó. Ông Thơ nói ngày nào ông cũng đi họp, phó chủ tịch thường trực cũng đi họp. Nên cấp phó nhiều thế mà vẫn thấy thiếu.

Đoàn giám sát của Quốc hội cho rằng, trường hợp của Sở Y tế Đà Nẵng có 5 phó giám đốc là hình thức “đi tắt” để đón đầu trong việc bổ nhiệm. Bổ nhiệm theo kiểu đón đầu việc các phó giám đốc sắp nghỉ hưu hoặc luân chuyển vị trí. Trong khi nguyên tắc chung là thiếu mới bổ nhiệm.

Theo ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại Quốc hội, tình trạng này không riêng gì ở TP Đà Nẵng mà còn là tình trạng chung ở nhiều địa phương khác.

Ông  Huỳnh Đức Thơ thừa nhận hiện nay việc tinh giản biên chế trong thực tế là câu chuyện khó khăn.

MỚI - NÓNG