Trước đó, ngày 23/4, Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 5 cá nhân liên quan trong vụ “cà phê pin”. Bà Nguyễn Thị Thanh Loan chủ một cơ sở thu mua phế phẩm cà phê pin ở Đắk Nông khai, đã bán 3 tấn “hỗn hợp tạp chất” trộn lõi pin cho một Cty TNHH sản xuất thương mại Thảo Dung (ở Lộc Thịnh, Lộc Ninh, Bình Phước, gọi tắt là doanh nghiệp Thảo Dung) do bà Phan Thị Dung làm giám đốc.
Từ lời khai của bà Loan, ngày 24/4, Công an tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với Công an tỉnh Bình Phước khám xét tại kho chứa của doanh nghiệp do bà Dung làm giám đốc, phát hiện và tạm giữ 3 tấn “hỗn hợp tạp chất” liên quan đến “lõi pin” và 9 tấn tiêu đã trộn lẫn hợp chất tại cơ sở này của bà Dung.
Theo điều tra, doanh nghiệp Thảo Dung đã dùng hỗn hợp tạp mua từ tỉnh Đắk Nông để pha trộn với tiêu, mục đích để tiêu lép được chắc và nặng ký hơn.
Chiều 26/4, trao đổi với phóng viên Tiền Phong bà Phạm Thị Ngọc- Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Phước cho biết, sáng cùng ngày đơn vị này đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) do ông Trần Đức Đông - Phó Chánh văn phòng 389 làm trưởng đoàn. Tại đây, Chi cục Quản lý thị trường đã báo cáo về sự xuất hiện “cà phê pin”, “tiêu pin” ở huyện Lộc Ninh.
Theo bà Ngọc, sau khi nghe báo cáo nhanh, ông Đông đã chỉ đạo các ban ngành địa phương phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm những cơ sở dùng hỗn hợp pha pin vào các sản phẩm để tung ra thị trường. “Phía Chi cục đã cử lực lượng ra soát toàn tỉnh các điểm sản xuất, kinh doanh cà phê, tiêu để kiểm tra, đặc biệt là tại huyện Lộc Ninh nhằm kịp thời xử lý nếu có vi phạm. Khi nghe tin ở Bình Phước có cơ sở dùng hỗn hợp pha pin vào tiêu tôi rất bức xúc. Hành vi pha pin vào tiêu theo tôi là rất độc ác”, bà Ngọc nói.
Vị đại diện Chi cục Quản lý thị trường Bình Phước cũng cho biết đang chờ kết luận điều tra của cơ quan công an để có hướng xử lý.