Vụ 'Cà phê pin': Mức phạt cao nhất lên đến 20 năm tù

Nước pha bột pin được cho là dùng làm "chất tạo màu" cho cà phê
Nước pha bột pin được cho là dùng làm "chất tạo màu" cho cà phê
Theo luật sư, nếu thu lời bất chính từ 20 đến dưới 100 triệu đồng các đối tượng có thể bị phạt từ 3 đến 7 năm tù, cao nhất có thể lên đến 20 năm tù.

Chiều 23/4, Công an tỉnh Đăk Nông đã khởi tố vụ án, tạm giữ 5 người liên quan đến việc trộn phế phẩm cà phê với bột pin, hóa chất.

5 người bị tạm giữ gồm: bà Nguyễn Thị Thanh Loan (chủ cơ sở nhuộm tạp chất cà phê với than pin), ông Nguyễn Xuân Bảo (chồng bà Loan) và Ngô Ngọc Sơn (người trực tiếp thực hiện hành vi nhuộm tẩm than pin) và hai người khác.

Cả 5 người bị tạm giữ để điều tra hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo điều 317 Bộ Luật Hình sự.

Liên quan đến vụ việc này, trả lời phóng viên, luật sư Giang Hồng Thanh- Văn phòng Luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, vụ án dùng dung dịch màu đen (hỗn hợp nước với pin) để ngâm, tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê mà dư luận vẫn gọi tắt là vụ án "Cà phê pin" đã được khởi tố. Điều này cho thấy trong hàng trăm hàng ngàn vụ việc vi phạm quy định về an toàn thực phẩm nhưng ít vụ bị xử lý hình sự, thì vụ việc này được coi là có tính chất đặc biệt nghiêm trọng nên cơ quan pháp luật đã nhanh chóng ra các quyết định tố tụng.

“Mặc dù vẫn còn nhiều thắc mắc, chẳng hạn như nếu chỉ có mục đích nhuộm đen cà phê thì tại sao các đối tượng lại dùng lõi pin mà không dùng các chất nhuộm khác đơn giản, dễ dàng hơn…” nhưng trên quan điểm cá nhân, luật sư Thanh cho rằng, với những thông tin do báo chí đăng tải ban đầu, ông hoàn toàn đồng tình với quyết định khởi tố của cơ quan điều tra đối với các đối tượng về tội "Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm" theo Điều 317 Bộ luật hình sự.

Vụ 'Cà phê pin': Mức phạt cao nhất lên đến 20 năm tù ảnh 1 Luật sư Giang Hồng Thanh

Theo luật sư Thanh, nếu bị Tòa án xác định là có tội, mức hình phạt dành cho các đối tượng phụ thuộc vào giá trị sản phẩm cà phê đã bị nhuộm được bán ra thị trường hoặc phụ thuộc vào số tiền thu lời bất chính của các đối tượng.

Ví dụ như nếu thu lời bất chính từ 5 triệu đến dưới 20 triệu đồng thì mức hình phạt từ 1 đến 5 năm tù, thu lời bất chính từ 20 triệu đến dưới 100 triệu đồng thì mức hình phạt từ 3 đến 7 năm tù. Trong trường hợp bị áp dụng mức hình phạt cao nhất, các đối tượng có thể sẽ phải chịu án là 20 năm tù.

“Qua vụ việc này, rất hy vọng các cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện các vụ việc sản xuất, mua bán thực phẩm bẩn và xử lý mạnh tay đối với loại tội phạm này để mang lại sự an toàn cho người dân”- luật sư Thanh đề xuất ý kiến.

Trước đó, ngày 16/4, cảnh sát Môi trường tỉnh Đăk Nông phối hợp cùng Thanh tra Sở Nông nghiệp ập vào kiểm tra cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Loan ở xã Đăk Wer, huyện Đăk R'lâp, bắt quả tang nơi đây đang pha trộn bột lõi pin vào cà phê phế thải.

Tại xưởng, ngành chức năng tịch thu hơn 21 tấn phế phẩm cà phê đã nhuộm đen và đóng bao bì; 35 kg pin bị đập dẹp; 192 kg lõi, nắp, vỏ pin; 40 lít dung dịch.

Bà Loan khai, trước đó đã đưa hơn 3 tấn phế phẩm cà phê về Bình Phước tiêu thụ.

Theo Điều 317, Bộ Luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7, tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a. Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;

b. Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm.

c. Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm;

d. Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Ngoài ra, Điều 317 cũng có quy định phạt tù từ 3 năm đến 20 năm, phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn khác như khác như phạm tội có tổ chức, gây tổn hại sức khỏe, làm chết người….

Theo Theo VOV
MỚI - NÓNG