Bình Nhưỡng đe dọa tăng cường răn đe hạt nhân

Bình Nhưỡng đe dọa tăng cường răn đe hạt nhân
TPO - Ngày 8/5, CHDCND Triều Tiên tuyên bố, sẽ tăng cường khả năng răn đe hạt nhân, do chính quyền Mỹ không thay đổi chính sách thù địch đối với nước này.
Bình Nhưỡng đe dọa tăng cường răn đe hạt nhân ảnh 1

Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên Steven Bosworth tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc). Ảnh AP

“Sau 100 ngày, chính quyền Obama chứng minh rằng, chính sách thù địch của Mỹ vẫn không hề thay đổi” - hãng tin KCNA trích dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên nói.

Đồng thời, Bình Nhưỡng cũng chỉ trích các cuộc tập trận chung "Key Resolve" và "Foal Eagle" của quân đội Mỹ - Hàn hồi tháng Ba vừa qua và cho rằng, chúng “đe dọa nghiêm trọng tới an ninh của CHDCND Triều Tiên.”

Người phát ngôn khẳng định, Bình Nhưỡng “sẽ tiếp tục tăng cường khả năng răn đe hạt nhân như đã tuyên bố trước đây.”

Bên cạnh đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên nhắc lại sự thành công của vụ phóng tên lửa mang vệ tinh thử nghiệm vào ngày 5/4 vừa qua, sự kiện mà Mỹ, Nhật cho rằng chẳng qua là vụ thử nghiệm tên lửa tầm xa và đã thất bại hoàn toàn.

Sau đó ít ngày, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra tuyên bố, lên án vụ thử nghiệm của Bình Nhưỡng và yêu cầu nước này “không được tiếp tục tiến hành thêm các vụ thử tương tự.”

Đáp lại, CHDCND Triều Tiên tuyên bố bác bỏ mọi yêu cầu của Hội đồng bảo an, đồng thời rút khỏi bàn đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Hơn thế nữa, Bình Nhưỡng còn đe dọa sẽ tiếp tục thực hiện thử nghiệm các thiết bị hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Nỗ lực ngoại giao

Trong lúc này, đặc phái viên của Mỹ về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên Steven Bosworth đã tới Hàn Quốc, nhằm thảo luận với chính quyền Seoul về tình hình hiện tại và khả năng nối lại các cuộc đàm phán sáu bên.

Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Hàn Quốc Yu Myung-hwa, ông Bosworth kêu gọi Bình Nhưỡng không nên tiến hành thêm bất cứ vụ thử hạt nhân nào nữa, nếu không muốn hứng chịu sự trừng phạt của cộng đồng quốc tế.

Đồng thời, các quan chức ngoại giao Mỹ và Hàn Quốc cũng thảo luận về các biện pháp, nhằm thuyết phục CHDCND Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán.

“Đối với Mỹ và tất cả các bên tham gia đàm phán, cánh cửa cho đối thoại luôn mở” - ông Bosworth nói.

Theo lịch trình, đặc phái viên của chính phủ Mỹ sẽ tới Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga, nhằm tìm kiếm giải pháp cho tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên, trong đó ưu tiên việc nối lại các cuộc đàm phán sáu bên.

Linh Huy
Theo Tân Hoa Xã, AP

MỚI - NÓNG