Bình Dương vượt mốc 200.000 F0, áp dụng quét mã QR từ ngày 27/9

0:00 / 0:00
0:00
Bình Dương vượt mốc 200.000 F0, áp dụng quét mã QR từ ngày 27/9
TPO - Với việc vừa ghi nhận thêm 3.332 ca mắc COVID-19, Bình Dương hiện có 200.196 ca trong đợt dịch lần thứ tư. Bắt đầu từ ngày mai (27/9), Bình Dương sẽ thực hiện quét mã QR nhằm kiểm soát dịch bệnh tốt nhất.

Chiều tối 26/9, CDC Bình Dương thông tin, hôm nay ghi nhận thêm 3.332 ca mắc COVID-19 mới. Trong đó, có 48 ca phát hiện tại cơ sở y tế, 113 ca phát hiện ở khu cách ly tập trung, 3.099 ca phát hiện trong khu phong tỏa và 72 ca phát hiện qua sàng lọc cộng đồng.

Tính từ đợt dịch thứ 4 này, tỉnh Bình Dương ghi nhận 200.196 ca mắc COVID-19, (Trong đó: 9.507 ca bệnh phát hiện qua khám tại cơ sở y tế, 25.968 ca bệnh phát hiện trong Khu cách ly tạm thời cho người test nhanh dương tính, 126.682 ca bệnh phát hiện trong khu phong tỏa, 37.958 ca trong cộng đồng (chợ, khu không phong tỏa).

Cũng trong đợt dịch này, Bình Dương có 1.891 ca tử vong và gần 170.000 bệnh nhân xuất viện về nhà.

Hiện, Bình Dương đang có 1.276 khu vực phong tỏa, gồm: Thuận An: 247; Phú Giáo: 12, Bàu Bàng: 20; Dĩ An: 585; Dầu Tiếng: 7; Bến Cát: 211; Tân Uyên: 102, Bắc Tân Uyên 0; Thủ Dầu Một: 92, với 116.898 người trong khu vực phong tỏa. Bình Dương có 5.285 F1 và 4.100 F0 cách ly tại nhà.

Bình Dương vượt mốc 200.000 F0, áp dụng quét mã QR từ ngày 27/9 ảnh 1

Bắt đầu từ ngày 27/9, Bình Dương đồng bộ quét mã QR

Bắt đầu từ ngày mai (27/9), người dân lưu thông ra, vào các điểm công cộng, nơi tập trung đông người, các địa điểm sản xuất kinh doanh, làm việc, giải trí... phải quét mã QR.

Đối với việc lưu thông trên đường, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông làm việc với Công an tỉnh để thống nhất việc quét mã QR tại các chốt, các điểm chốt kiểm soát dịch COVID-19, đảm bảo không gây ùn tắc giao thông, phát sinh phiền hà cho người dân.

UBND tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu các sở ngành, đơn vị và doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký, dán mã QR, hướng dẫn và nhắc nhở mọi người quét mã QR khi ra vào giao dịch, làm việc.

Ngày 26/9, ông Nguyễn Hoàng Thao – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương có buổi gặp gỡ các doanh nghiệp trên địa bàn để nghe chia sẻ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn. Tại đây, hầu hết các doanh nghiệp cho rằng việc đề nghị công nhân test 3 ngày một lần tốn rất nhiều kinh phí và nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao khi tập trung đông người để xét nghiệm.

Đại diện một doanh nghiệp đang thực hiện theo phương án "1 cung đường 2 điểm đến", cho biết, họ phải tốn kinh phí hơn 40 tỉ đồng để xét nghiệm cho người lao động suốt 3 tháng qua. Do đó, doanh nghiệp này cho rằng, nếu kéo dài việc xét nghiệm, sẽ không đủ kinh phí duy trì. Từ đó, doanh nghiệp kiến nghị cho phép tự test nhanh không phải thuê đơn vị y tế tư nhân bên ngoài để giảm chi phí. Bên cạnh đó, được sử dụng kết quả test nhanh do doanh nghiệp xác nhận để làm cơ sở cho người lao động lưu thông qua chốt kiểm soát.

Về việc này, ông Nguyễn Hoàng Thao – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương ghi nhận những khó khăn của doanh nghiệp. Ông Thao cho biết sẽ làm việc với các địa phương để có biện pháp quản lý hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.