Bình Dương: 'Tầng nguy kịch' chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 là người đã tiêm 2 mũi vắc xin

0:00 / 0:00
0:00
Bình Dương: 'Tầng nguy kịch' chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 là người đã tiêm 2 mũi vắc xin
TPO - Ngành y tế Bình Dương thông tin, ở tầng 3 tháp điều trị COVID-19 ở địa phương này chưa có trường hợp nào đã tiêm 2 mũi vắc xin phải nhập viện. Trong khi đó, các tầng 1 và 2 giảm đến 90% sau khi vắc xin cơ bản bao phủ mũi 1.

Theo thông tin từ PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Y khoa Bệnh viện hồi sức cấp cứu bệnh nhân COVID-19 tại Bình Dương, cho hay chưa có bệnh nhân COVID-19 nào đã tiêm 2 mũi phải nhập viện ở tầng 3 tháp điều trị. Ngoài ra, ở tầng 3 (tầng cấp cứu bệnh nhân nặng, nguy kịch) đã giảm cả số lượng và tỷ lệ tử vong trong những ngày qua.

Mặt khác, ở các tầng 1 và 2 của tháp điều trị ở Bình Dương cho thấy khi đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19, nguy cơ khiến bệnh nặng, phải nhập viện (nếu nhiễm) giảm đi rất nhiều (90%). Theo PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, lý do ca mắc giảm diễn biến nặng, giảm tỷ lệ tử vong do người dân được tiêm vắc xin ít nhất 1 mũi.

Do đó, ông Hiếu cho rằng để trở về trạng thái bình thường mới trên tinh thần bình tĩnh sống chung với dịch cần phải đẩy nhanh công tác tiêm vắc xin cho người dân.

Bình Dương: 'Tầng nguy kịch' chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 là người đã tiêm 2 mũi vắc xin ảnh 1

Bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng giảm sâu

Ngành y tế Bình Dương nhận định, để kiểm soát tốt dịch bệnh, trở về trạng thái bình thường mới người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, bao gồm tiêm vắc xin, thực hiện nghiêm thông điệp “5K”, tự test nhanh kháng nguyên COVID-19 tại nhà để chủ động phát hiện sớm.

“Nếu ai đó phát hiện bản thân đã trở thành F0 phải thật bình tĩnh, chủ động không tiếp xúc với ai và thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý. Mọi người tập cho mình thói quen bảo vệ sức khỏe và chấp hành theo hướng dẫn từ ngành chức năng”, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.

Bình Dương: 'Tầng nguy kịch' chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 là người đã tiêm 2 mũi vắc xin ảnh 2

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu (bìa trái) hỏi thăm người dân về việc tiêm vắc xin

Trong khi đó, TS.BS Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết thêm F0 khi cách ly, điều trị tại nhà cần nơi ở thông thoáng, có cửa sổ, khu vệ sinh riêng, chỉ sử dụng quạt, không nên dùng điều hòa. Các loại thuốc cần có gồm: Thuốc hạ sốt, tiêu hóa, dạ dày, tiêu chảy, đau họng, dầu xoa, oresol, nước muối súc miệng, xịt mũi, các loại tăng sức đề kháng nhất là Vitamin C, Vitamin D3. Các loại thiết bị y tế cần trang bị, như: Nhiệt kế, máy đo huyết áp, máy đo oxy trong máu (không bắt buộc).

Trong giai đoạn đầu, F0 cách ly điều trị tại nhà có các triệu chứng ban đầu có thể gặp phải, như: Sốt, ho khan, mệt mỏi, đau cơ; đau họng, chảy nước mũi, đau đầu, nôn, tiêu chảy; rối loạn khứu giác, tê lưỡi. Khi bị sốt, F0 không nên nằm lâu một tư thế, có thể nằm nghiêng, sấp hoặc ngồi thẳng đứng để thay đổi tư thế 2 giờ một lần; sử dụng thuốc hạ sốt cách nhau 4 - 6 giờ tùy loại. Thuốc hạ sốt có hiệu quả sau 1 giờ nên tránh nôn nóng mà uống quá liều lượng, có thể ảnh hưởng tới gan. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng sinh. Tất cả các loại thuốc kê đơn phải do bác sĩ chỉ định.

Cũng theo ông Chương, hiện Bình Dương ngoài cơ sở y tế cố định còn thành lập 142 Trạm Y tế lưu động để người dân tiếp cận nhanh nhất, đội ngũ y tế này sẽ theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà.

Theo kế hoạch triển khai tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 do UBND tỉnh Bình Dương ban hành, địa phương này cần thêm khoảng 2,7 triệu liều vắc xin để tiêm 2 mũi cho toàn bộ người dân. Trước đó, Bộ Y tế đã phân bổ cho Bình Dương hơn 2,1 triệu liều vắc xin các loại như: AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Vero Cell và đã tiêm hết cho người dân.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.