Mô hình trên đang được Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM vận hành hiệu quả tại Bệnh viện Đa tầng Tân Bình (quy mô 1.000 giường, ở quận Tân Bình). Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, sau quá trình gấp rút triển khai, trung tuần tháng 8, bệnh viện đã đi vào hoạt động. Bệnh viện có quy mô 1.000 giường, trong đó 50 giường hồi sức; 150 giường bệnh nhân nặng; 500 giường bệnh nhân trung bình; 300 giường bệnh nhân nhẹ.
Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng đi vào hoạt động từ giữa tháng 8 đến nay |
Theo PGS.TS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng Tân Bình được xây dựng từ thực tế thu dung, điều trị F0 tại quận Tân Bình, trên cơ sở kết hợp nhân lực, trang thiết bị y tế của Trung tâm Y tế Tân Bình, Bệnh viện Tân Bình và Bệnh viện Thống Nhất.
Bên cạnh đó, chính quyền quận và Bệnh viện Thống Nhất đã vận động các doanh nghiệp tài trợ thêm trang thiết bị máy móc hiện đại, đảm bảo đủ cho quá trình điều trị bệnh nhân. Tuy là bệnh viện dã chiến, nhưng có cả máy lọc máu và hệ thống oxy trung tâm.
Theo PGS.TS Lê Đình Thanh, Bệnh viện đa tầng Tân Bình đã tích hợp “3 trong 1” các giải pháp thu dung, điều trị F0 theo mô hình tháp điều trị 3 tầng của Bộ Y tế ngay trong cùng một cơ sở. Theo đó Trung tâm Y tế Tân Bình phụ trách tầng 1, Bệnh viện Tân Bình phụ trách tầng 2 và Bệnh viện Thống Nhất phụ trách tầng 3 là Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân nặng.
Bệnh viện được huy động nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác chuyên môn |
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận tất cả các nhóm bệnh nhân từ mức độ nhẹ, trung bình đến nặng và nguy kịch. Các F0 chưa có triệu chứng khi được đưa vào bệnh viện, tùy theo hiện trạng sức khoẻ sẽ được cấp phát ngay gói thuốc A, B của Sở Y tế TPHCM hoặc gói C của Bộ Y tế.
Sau khi thu dung, sàng lọc bệnh, những người có triệu chứng ở mức trung bình sẽ được chuyển tầng 2, bệnh nặng được chuyển vào tầng 3. Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình được vận hành nhịp nhàng, không phải chuyển bệnh nhân nặng, nguy kịch đến các trung tâm hồi sức khác nên tận dụng được thời gian vàng để cứu bệnh nhân và giảm tối thiểu những rủi ro trong quá trình chuyển bệnh.
BS Đặng Quốc Nghiệp, Phó giám đốc Bệnh viện quận Tân Bình được phân công tham gia chỉ đạo điều trị tầng 2 khẳng định: “Trước đây Trung tâm y tế Tân Bình và Bệnh viện Tân Bình hay có bệnh nhân COVID-19 tử vong vì khi nguy kịch không kịp đưa tới cơ sở điều trị ở tầng 3. Từ khi triển khai mô hình bệnh viện đa tầng này đã kịp thời ngăn chặn được phần lớn số ca tử vong. Ở tầng 2 trung bình mỗi ngày có 300 ca bệnh thì chỉ phải chuyển lên tầng 3 khoảng 4 ca nặng”.
Bên cạnh đó các F0 ở tầng 1 nếu có dấu hiệu trở nặng lập tức đưa ngay sang tầng 2 để điều trị kịp thời và chăm sóc toàn diện. Nếu nặng hơn nữa thì chuyển tiếp lên tầng 3, khi nhẹ lại quay về tầng 1.
Sau hơn một tháng áp dụng mô hình điều trị “3 trong 1”, tỷ lệ tử vong do COVID-19 gây ra đã giảm từ 5% xuống dưới 3%. Việc bệnh nhân phải chuyển tuyến từ Tân Bình đi nơi khác hầu như không còn. “Chúng tôi tập trung được các chuyên gia hàng đầu để hội chẩn các ca bệnh, kịp thời đưa ra các quyết định điều trị, tạo thuận tiện nhiều mặt cho người bệnh” - PGS.TS Lê Đình Thanh nói.