Bình Dương làm gì để hóa giải ‘cứ trời mưa, đường thành sông’?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Những ngày qua, nhiều tuyến đường ở Bình Dương biến thành “sông” khi trời đổ mưa. Tình trạng “cứ trời mưa, đường thành sông” khiến người dân lo lắng trong quá trình di chuyển. Để khắc phục, ngành chức năng tỉnh này đã lên kế hoạch thực hiện loạt dự án chống ngập.

Ghi nhận của PV Tiền Phong, những ngày qua, nhiều tuyến đường ở Bình Dương nước dâng cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho người dân sống hai bên đường và các phương tiện tham gia lưu thông. Hàng loạt chiếc xe bao gồm cả ô tô, xe máy chìm trong “biển nước”.

Bình Dương làm gì để hóa giải ‘cứ trời mưa, đường thành sông’? ảnh 1

“Cứ trời đổ cơn mưa là đường ngập. Cơn mưa kéo dài từ 1 giờ đồng hồ trở lên, đường sẽ ngập cả mét, tài xế bỏ phương tiện để tìm nơi trú ẩn. Nhiều người đi làm về chạy vào xin trú tạm nhà dân bên đường chờ nước rút”, bà Trần Thị Minh (40 tuổi, sống bên đường Quốc lộ 13 đoạn thuộc phường An Thạnh, TP Thuận An, Bình Dương) cho biết.

Bình Dương làm gì để hóa giải ‘cứ trời mưa, đường thành sông’? ảnh 2

Trong khi đó, anh Nguyễn Bình Trọng (ngụ Bình Dương) cho biết thêm: “Ở đường TC2 thuộc phường Mỹ Phước, TX Bến Cát cứ trời mưa là đường ngập. Nước dưới cống dồn lên với lực rất mạnh cộng với nước mưa tạo thành dòng chảy lớn đến mức có thể cuốn trôi một chiếc ô tô dễ dàng”.

Bình Dương làm gì để hóa giải ‘cứ trời mưa, đường thành sông’? ảnh 3

Đại diện chính quyền TP Thuận An, cho biết trên địa bàn có các điểm ngập nặng khi mưa lớn gồm: Đường Lê Thị Trung, Cách Mạng Tháng Tám, Quốc lộ 13 (đại lộ Bình Dương, đoạn phường An Thạnh; phường Vĩnh Phú). TP Thuận An đã triển khai làm các hồ điều tiết nhỏ ở khu vực phường Lái Thiêu, An Phú; đầu tư hệ thống thoát nước dọc ở đường Cây Me, phường Bình Nhâm và hệ thống thoát nước dọc ở đường Thuận An Hòa, Thuận Giao 21... để giảm tình trạng ngập úng mỗi khi mưa lớn. Tuy nhiên, tình trạng ngập sau mưa vẫn còn nan giải.

Bình Dương làm gì để hóa giải ‘cứ trời mưa, đường thành sông’? ảnh 4

Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Dương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng, trong đó công tác duy tu, bảo dưỡng, nạo vét kênh, rạch, các hệ thống thoát nước và công tác phối hợp quản lý đô thị chưa tốt. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình, dự án mới, nạo vét khơi thông dòng chảy còn hạn chế so với yêu cầu đầu tư đồng bộ. Hệ thống thoát nước dọc hai bên các tuyến đường trục chính đô thị đang bị quá tải, xuống cấp và không bảo đảm khả năng thoát nước.

Bình Dương làm gì để hóa giải ‘cứ trời mưa, đường thành sông’? ảnh 5

Nhằm giải quyết dứt điểm các tồn tại, UBND tỉnh Bình Dương đề ra nhiều giải pháp, tập trung đẩy nhanh thi công, đưa vào hoạt động kênh T4, kênh T5B (TP Dĩ An); phối hợp với tỉnh Đồng Nai để thực hiện tuyến rạch Cái Cầu (suối Xiệp); phối hợp với TPHCM thực hiện tuyến suối Nhum.

Bình Dương làm gì để hóa giải ‘cứ trời mưa, đường thành sông’? ảnh 6

Ngoài ra, Bình Dương triển khai xây dựng cống Bình Nhâm (TP Thuận An) có vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng cùng với hệ thống cống, đê bao An Sơn – Lái Thiêu dài khoảng 12,7km (ven sông Sài Gòn) có nhiệm vụ ngăn lũ, triều cường và xả lũ hồ Dầu Tiếng để chống ngập cho toàn bộ vùng rộng 2.690ha. Công trình tiếp nhận tiêu thoát nước từ lưu vực thoát nước của dự án Trục thoát nước Chòm Sao - Suối Đờn với diện tích 1.596ha.

Bình Dương làm gì để hóa giải ‘cứ trời mưa, đường thành sông’? ảnh 7

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện 4 cống kiểm soát triều còn lại trên địa bàn TP.Thuận An với tổng kinh phí dự kiến 1.364 tỷ đồng, trong đó có cống kiểm soát triều rạch Bà Lụa - Vàm Búng, cống kiểm soát triều rạch Lái Thiêu - Vĩnh Bình. Ngoài ra, nhằm xử lý nhanh các điểm ngập, Bình Dương đã triển khai đầu tư xây dựng hệ thống trục thoát nước khu vực; dự án hệ thống tiêu nước Khu công nghiệp Sóng Thần - Đồng An và vùng phụ cận; dự án hệ thống thoát nước Dĩ An và Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp; dự án trục thoát nước Chòm Sao - Suối Đờn chiều dài khoảng 11,5km kênh bê tông; cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước Bình Hòa.

Được biết, tới đây Bình Dương sẽ đầu tư Dự án nạo vét, gia cố Suối Cái từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai. Dự án dự kiến sẽ kéo dài trong 6 năm với số vốn khoảng 5.000 tỷ đồng. Dự án hoàn thành sẽ giải quyết tình trạng ngập úng, thoát nước ở các huyện Bắc Tân Uyên, thị xã Tân Uyên, TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An. Địa phương này sẽ phối hợp với TPHCM và Đồng Nai xử lý các tuyến thoát nước giáp ranh.

Bình Dương làm gì để hóa giải ‘cứ trời mưa, đường thành sông’? ảnh 8

Các tuyến đường ở TP Thuận An ngập nặng sau mưa

Bình Dương hiện đang thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường quốc lộ 13 (từ TP Thuận An đoạn giáp TPHCM đến TP Thủ Dầu Một). Dự án ngoài giảm ùn tắc còn kỳ vọng chống ngập.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.