Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương thông tin, đợt dịch thứ 4 đến nay, địa phương ghi nhận 86.050 ca mắc COVID-19; 716 bệnh nhân tử vong và 48.353 bệnh nhân xuất viện về nhà. Hiện Bình Dương có 24 khu điều trị bệnh nhân COVID-19. Các cơ sở đang điều trị 16.349 bệnh nhân, trong đó tầng 1 có 13.386 bệnh nhân, tầng 2 có 2.191 bệnh nhân và tầng 3 có 772 bệnh nhân.
“Bình Dương mới tiêm 28% cho người trên 65 tuổi, kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế hỗ trợ phân bổ thêm vắc xin tiêm cho người dân thuộc nhóm đối tượng này để giảm tỷ lệ tử vong khi mắc COVID-19”, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương.
Toàn tỉnh Bình Dương có 36.920 người đang cách ly tập trung; 9.715 trường hợp F0 cách ly tại nhà. Đến tối ngày 26/8, Bình Dương đã tiêm 801.601 liều vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 (gồm: 767.020 mũi 1 và 34.581mũi 2). Ngày 26/8, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận chủ trương cho Sở Y tế phân bổ và tiêm 99.800 liều vắc xin AstraZeneca đợt 25 cho các đối tượng theo quy định từ ngày 27-29/8.
Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên y, bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Bình Dương |
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác, đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết đang dồn lực quyết tâm đến ngày 15/9 kiểm soát được 15 phường bị khóa chặt, toàn tỉnh trở về trạng thái bình thường mới.
“Bộ Y tế sẽ tăng cường vắc xin, ưu tiên người dân “vùng đỏ”, người từ 18 tuổi trở lên ở “vùng đỏ” phải được tiêm càng sớm càng tốt. Phát huy tối đa trạm y tế di động. Bộ Y tế sẽ tăng cường nhân lực cho Bình Dương. Kỳ vọng Bình Dương vì địa phương đang làm rất tốt”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn hiệu quả nhất, Bình Dương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế phân bổ vắc xin để tiêm phòng cho 2 triệu dân khu vực “vùng đỏ”.
Trong thời gian tới, các đoàn chi viện sẽ quay trở về, do đó địa phương sẽ gặp khó khăn trong điều trị bệnh nhân COVID-19, đồng thời với 100 trạm y tế di động (yêu cầu 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng) Bình Dương đang thiếu và cần được chi viện. Bình Dương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các địa phương tiếp tục chi viện hỗ trợ Bình Dương để bảo đảm sức khỏe cho nhân dân.
Kiến nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ 50 bác sĩ hồi sức cấp cứu, 50 bác sĩ chuyên khoa, 100 điều dưỡng hồi sức cấp cứu, 100 kỹ thuật viên. Hỗ trợ máy thở xâm lấn 10 cái, máy thở không xâm lấn 20 cái, 2 hệ thống oxy dòng cao, máy X- quang di động 4 cái, 100 máy đo SPO2 cầm tay.
Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bình Dương lên kế hoạch ứng phó 150.000 ca mắc nên nhu cầu kinh phí vượt khả năng. Bình Dương dự kiến nhu cầu chi số tiền lên đến 12.242 tỷ đồng. So với nhu cầu kinh phí tạm tính trên, Bình Dương thiếu 7.652 tỷ đồng.
Đoàn công tác của Chính phủ đánh giá cao năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tầng 3 tại Bình Dương |
Do đó, Bình Dương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét có phương án hỗ trợ cho ngân sách địa phương số tiền tạm tính thiếu trên. Trong trường hợp cấp bách cho phép địa phương được điều chỉnh giảm dự toán chi đầu tư phát triển (đầu tư công) năm 2021 và được sử dụng nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng để bổ sung kịp thời cho công tác phòng, chống dịch.
Sau khi nghe báo cáo của địa phương, Thủ tướng ghi nhận và đề nghị các bộ, ngành liên quan xem xét, tạo điều kiện thuận và chi viện sớm nhất có thể để Bình Dương sớm kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo kế hoạch đề ra.
“Giảm mật độ F0 ở các phường đang khóa chặt rất khó nếu chúng ta không thực hiện nghiêm việc giãn cách. Vận động hết người dân đi xét nghiệm. Cứ ai dương tính qua test nhanh là đưa đi khu cách ly, điều trị không cần chờ kết quả PCR. Tăng cường tranh thiết bị, thuốc điều trị ngay tầng 1, làm tốt tầng 2 và 3, đảm bảo đủ oxy khu vực thu dung, điều trị. Bình Dương điều trị tầng 3 rất tốt số ca tử vong thấp cần mở thêm tầng 3”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói.