Biết tựa vào nhau, cho chúng ta sức mạnh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cách Hà Nội khoảng 70km, trại phong Phú Bình gần như biệt lập giữa những quả đồi ở xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Nơi đây có 54 bệnh nhân phong từng bị hắt hủi, xa lánh...

Trại tiếp nhận bệnh nhân đến điều trị từ năm 1958. Ngày ấy, người mắc bệnh phong thường bị hắt hủi, xa lánh. Điều đó đã khiến họ dù đã khỏi bệnh cũng ngại về quê vì cảm giác tự ti, khó hòa nhập với mọi người. Đó cũng là lí do bệnh nhân phong thường ở lại trại sau khi khỏi bệnh và nhiều người trong số đó đã nên duyên vợ chồng.

Người đàn ông 80 tuổi bước đi khập khễnh; cạnh ông là một phụ nữ nhỏ bé ngoài 80 tuổi. Họ đã bên nhau như thế, ở nơi này suốt gần 50 năm qua. Tình yêu giúp họ bền bỉ đi qua những tháng năm bệnh tật lắm đau thương và chua xót. Ông là Hoàng Văn Nhình, không may mắc bệnh trong quá trình quân ngũ. Năm 1970, ông bị phát bệnh nên chuyển đến trại phong Phú Bình điều trị. Năm năm sống trong buồn tủi vì người thân xua đuổi, chàng trai năm đó cứ ngỡ cuộc đời mình mãi chìm trong bệnh tật và cô đơn. Nhưng sự xuất hiện của cô gái trẻ Nông Thị Tích đã mang đến hơi ấm cho chàng trai. Những quan tâm, chia sẻ tỉ mẩn trong sinh hoạt hằng ngày đã dần gắn kết họ với nhau. Ông cười rạng rỡ khi tôi hỏi: “Ngày đó ông tỏ tình với bà thế nào ạ?”. Ông chưa kịp đáp lời, bà Tích đã níu tay tôi cười hạnh phúc: “Ôi, ông ấy không tỏ tình đâu cô ạ, nhưng ông ấy sống tình cảm lắm”.

Biết tựa vào nhau, cho chúng ta sức mạnh ảnh 1

Ông Nhình và bà Tích đã bên nhau gần 50 năm

Lời bà nói cùng ánh mắt rạng ngời, ấm áp những ngày giáp Tết rét mướt như khiến cả không gian xung quanh ấm lại. Quả ngọt của ông bà là 2 người con trưởng thành, đi làm ăn xa, mỗi năm đôi ba lần về thăm cha mẹ. Con gái họ cũng không may mắc bệnh như bố mẹ, nhưng nhờ có thuốc thang điều trị nên chị không bị di chứng của bệnh nhiều. Tôi ngắm đôi bàn tay đã nhăn nheo của 2 con người ở tuổi xưa nay hiếm, những ngón tay còng queo vì di chứng bệnh phong đang đan vào nhau như minh chứng cho mối tình vững bền theo năm tháng…

GS.TS Nguyễn Hữu Sáu, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết cả nước hiện có khoảng 1.500 người sống trong 36 khu điều trị phong và làng phong. Đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các đoàn công tác của Bệnh viện Da liễu Trung ương trao gần 630 suất quà đến bệnh nhân phong đang sống, điều trị ở 10 khu điều trị phong khu vực miền Bắc (như Hà Nam, Bắc Ninh, Sơn La, Thái Nguyên...).

Tôi đến thăm nhà bà Mai, bắt gặp hình ảnh người phụ nữ đang lụi cụi dọn nhà đón Tết. Mới đó đã hơn 60 năm kể từ ngày cô bé Nguyễn Thị Mai, 12 tuổi, được bố mẹ đưa đến đây chữa bệnh sau khi trên bàn tay của bé xuất hiện một nốt mụn sần sùi và được chẩn đoán mắc bệnh phong. “Đó cũng là một ngày giáp Tết như dịp này”, bà Mai nói nhưng khẽ quay mặt đi lén lau nước mắt. Quá khứ xa xôi như thước phim đang quay chầm chậm trước mắt bà. Sau khi khỏi bệnh, Mai làm phục vụ, cấp dưỡng cho những bệnh nhân phong ở trại.

Ngày cha mẹ mất, dù đã khỏi bệnh bà vẫn không dám trở về chịu tang vì bị hàng xóm, người thân xa lánh. Tuổi đôi mươi bà gặp và yêu chàng thanh niên cùng trại. Hai trái tim đều chịu nhiều thương tổn vì bị kì thị đã tìm đến với nhau, sưởi ấm nhau trong suốt phần đời còn lại. Họ sinh được một người con trai, bà hiện đã có cháu nội khỏe mạnh. Mấy chục năm bên nhau, họ chưa từng to tiếng bởi tự thân đều cảm thấy đã gặp được đúng người để sẻ chia những bất hạnh và cùng nhau vun đắp mái ấm. Rồi 3 năm trước, người chồng bỏ lại bà Mai để về với thế giới bên kia. Khoảng trống ấy không gì bù đắp được, bởi ông là người hiểu bà qua từng cái trở mình, từng tiếng thở dài. Giờ đây bà nương tựa vào những người hàng xóm cùng cảnh ngộ, trông mong những ngày con cháu về sum vầy.

Biết tựa vào nhau, cho chúng ta sức mạnh ảnh 2

GS.TS Nguyễn Hữu Sáu tặng quà Tết cho các bệnh nhân

Sáu năm nay, trại phong Phú Bình không nhận thêm bệnh nhân mới. Tất cả các bệnh nhân đều không còn mầm bệnh trong người, nhưng rất nhiều người trong số họ vẫn còn các khuyết tật thể chất. Bệnh phong đã ăn mòn ngón tay, ngón chân, thậm chí chiếc mũi, khuôn miệng cũng méo mó...

Ân tình

Với 54 bệnh nhân phong ở trại Phú Bình, Tết là dịp đông vui nhất vì họ được đón các đoàn từ thiện đến thăm nom, tặng quà. Dường như họ tìm lại được hơi ấm tình thân qua những nghĩa cử ấy. Nhiều năm qua, Bệnh viện Da liễu Trung ương thường xuyên đến trao quà Tết. Với cư dân của trại, y bác sĩ như người thân bởi những người khoác áo blouse ấy hiểu đến từng hoàn cảnh của mỗi người nơi đây.

Bác sĩ Dương Thế Huyên, Trưởng khu điều trị phong, Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình, luôn hiểu, niềm vui lớn nhất của các bệnh nhân phong là được chia sẻ, động viên, sống trong cảm giác ấm áp, cùng nhau ăn bữa cơm như trong một gia đình. Chứng kiến những khát khao ấy của bao người từng mang trong mình căn bệnh từng được coi là nan y, các bác sĩ nơi đây luôn muốn bù đắp nhiều hơn nữa cho những thân phận chịu nhiều thiệt thòi.

Y học ngày càng hiện đại, phong không còn là căn bệnh không thể chữa trị. Mảnh đất một thời đau thương cũng đang từng ngày hồi sinh. Những tâm hồn từng chịu nhiều vết thương đã dần liền sẹo, trái tim họ được sưởi ấm bằng tình yêu và sự sẻ chia. Trại phong Phú Bình giờ không chỉ là nơi dưỡng già của các cụ già ốm yếu mà còn rộn rã tiếng trẻ thơ làm ấm lòng người. Rời trại phong trong buổi chiều tà, những câu chuyện cuộc đời, hình ảnh những con người nơi đây cho tôi ngộ ra một điều, thương yêu nên được trao một cách vô điều kiện, không vụ lợi và tình yêu, sự thấu cảm là món quà trân quý nhất mà chúng ta có thể dành cho nhau để mỗi khoảnh khắc trôi qua cuộc sống này thực sự có ý nghĩa…

MỚI - NÓNG