Biến rác thải thành vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hơn 3 năm qua, mô hình gom rác tái chế để bán phế liệu tạo vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, gây Quỹ học bổng 20/10 của hội phụ nữ ở Cà Mau đã thu và bán hơn 10.000 tấn phế liệu, bán thu gần 400 triệu đồng. Từ nguồn tiền này đã trao 863 suất tiền và quà cho chị em có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo học giỏi.

Triển khai từ năm 2021 đến nay, mô hình Biến rác thải thành vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (của Hội liên hiệp phụ nữ huyện Trần Văn Thời, Cà Mau tổ chức), đã tiết kiệm được gần 400 triệu đồng để làm từ thiện. Số tiền này có được từ việc thu gom rác thải tái chế (phế liệu) bán để tiết kiệm.

Số tiền này ngoài việc hỗ trợ sinh hoạt của hội, còn dùng làm nguồn vốn giúp hội viên phụ nữ khởi nghiệp thoát nghèo bền vững.

Hiện mô hình đã có trên 60% hội viên toàn huyện tham gia mô hình này (trên 21.000 người).

Biến rác thải thành vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp ảnh 1

Mỗi tháng một lần, các chị em khi đi họp sẽ mang theo những rác thải nhựa mình thu gom được để bán.

Qua mô hình, các hội viên, phụ nữ vừa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tái chế rác thải vừa giúp cho hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp có hiệu quả. Nhiều chị khi nhận được vốn đã khởi nghiệp thành công mở được tiệm bán vải và may các trang phục truyền thống (áo bà ba, áo dài); mở tiệm làm tóc và nail; mở rộng các hoạt động sản xuất, chế biến tinh bột nghệ...

Chị Lâm Hằng Ni (ngụ xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) khởi nghiệp với mô hình làm tinh bột nghệ, mỗi ngày chỉ xay được chục ký, năng suất kém dẫn đến hiệu quả không cao. Từ ngày được nhận hỗ trợ 35 triệu đồng từ nguồn bán rác thải nhựa, chị mua máy móc, thiết bị để phát triển sản phẩm. Hiện, chị Ni bán ra thị trường được hàng tạ sản phẩm mỗi năm.

Biến rác thải thành vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp ảnh 2

Cán bộ, hội viên phụ nữ thu gom rác thải tái chế (phế liệu) bán để tiết kiệm tiền.

“Trước đây, nhà tôi thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Từ phong trào phòng chống rác thải nhựa, tôi được nhận 400.000 đồng từ tiền bán đồ nhựa, thêm vốn vay từ quỹ nên mua heo về nuôi và buôn bán tạp hoá nhỏ tại nhà. Sau 2 năm, cuộc sống gia đình đã ổn định hơn trước và thoát được hộ nghèo”, chị Phạm Ngọc Ân (ngụ ấp Tham Trơi B, xã Khánh Bình Đông) chia sẻ.

Ngoài ra, mô hình “Tiết kiệm từ rác thải, phế liệu xây dựng qũy học bổng 20/10” có trên 18.000 hội viên tham gia, quỹ dùng hỗ trợ các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi, đặc biệt ưu tiên trẻ em gái. Hiện tại, mô hình đã trao 765 suất hỗ trợ, tổng số tiền hơn 380 triệu đồng.

Biến rác thải thành vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp ảnh 3

Các chị em tham gia tiết kiệm từ tiền bán rác thải để đóng góp vào quỹ học bổng 20/10.

Chị Nguyễn Thị Thùy Linh - Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Trần Văn Thời cho biết, mô hình tiết kiệm từ việc bán rác thải phế liệu hoặc tái chế các sản phẩm từ rác thải để giúp các chị em có hoàn cảnh khó khăn vay vốn sản xuất; tạo quỹ học bổng 20/10 hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó. Mô hình đã thu hút được hơn 21.000 hội viên phụ nữ tham gia.

Trong 3 năm qua, mô hình này đã trao được 863 suất tiền và quà cho các chị em, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tổng số tiền gần 400 triệu đồng.

Không chỉ câu chuyện kinh tế, mô hình còn góp phần giảm lượng rác thải nguy hại ra môi trường, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân; đầu tiên ngay từ người mẹ, người bà, người chị trong gia đình để lan tỏa tới tất cả thành viên trong nhà tới cộng đồng.

MỚI - NÓNG