Hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của cả dân tộc
Đúng 6h10 phút sáng qua, nghi lễ tâm linh trang trọng của lễ hội lớn nhất cả nước bắt đầu diễn ra tại Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng (Phú Thọ). Trong tiếng nhạc lễ âm vang khắp núi rừng Nghĩa Lĩnh, đoàn hành lễ dâng hương với đội nghi trượng uy nghiêm dẫn đầu cùng đoàn cờ phướn lộng lẫy mở màn khởi hành từ sân Trung tâm lễ hội lên Đền Thượng. Các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam rước Quốc kỳ, cờ hội và vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước”. Theo sau là các thiếu nữ và 100 chàng trai mặc trang phục cổ tựa như con Lạc cháu Hồng, tay giương cao cờ hội, thể hiện sức sống mãnh liệt của dòng giống Tiên Rồng cùng đoàn rước kiệu dâng lễ vật hương, hoa, bánh chưng, bánh dày bước lên Đền Thượng. Tham dự lễ có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao của Ðảng, Nhà nước, tỉnh Phú Thọ cùng đông đảo du khách và đồng bào về dự Giỗ Tổ.
Dù cơn mưa lớn trút xuống khi đoàn dâng hương vừa lên đến đỉnh núi nhưng nghi thức hành lễ vẫn diễn ra đúng kế hoạch tại điện Kính Thiên. Phần lớn các đại biểu và người dân không mang theo áo mưa, song tất cả vẫn đứng trang nghiêm tỏ lòng thành kính trước anh linh Tổ Tiên. Với tấm lòng thành kính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ và đại diện bốn tỉnh (Thái Nguyên, Quảng Nam, Bình Dương và Kiên Giang) đã vào Thượng cung làm lễ dâng hương, hoa, lễ vật tri ân, tưởng niệm các Vua Hùng. Chủ tế lễ, ông Bùi Minh Châu - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, đọc lời Chúc văn khẳng định ý nghĩa sâu sắc của ngày Giỗ Tổ, khắc ghi công lao trời biển của các Vua Hùng đã có công khai sơn, phá thạch, dựng nên bờ cõi Việt, ca ngợi các bậc tiền nhân đã không tiếc xương máu đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ giang sơn và tinh thần anh dũng của toàn quân, toàn dân trong các cuộc kháng chiến. Chủ lễ cũng kính cáo trước anh linh các Vua Hùng về những thành tựu to lớn mà toàn Đảng, toàn dân ta đã đạt được trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng vẫn được bền bỉ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của cả dân tộc - nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Tiếp đó, Thủ tướng và các đại biểu đặt vòng hoa, thắp hương tại Lăng Hùng Vương, thành kính tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc bên bức phù điêu có hình tượng Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong tại ngã năm Đền Giếng. Dòng người kéo dài (ước tính hơn 1 triệu người) leo núi theo sau lên thắp hương tri ân các Vua Hùng dưới cơn mưa không ngớt.
Gần 8 triệu lượt người hành hương
Chuẩn bị cho lễ hội từ nhiều tháng trước, tỉnh Phú Thọ đã cơ bản đạt mục tiêu “5 không” (không ùn tắc giao thông; không kinh doanh “chặt chém”; không có ăn xin, ăn mày; không phản cảm; không mất vệ sinh an toàn thực phẩm) và mẫu mực, trang nghiêm, mang tính cộng đồng sâu sắc gắn với các hoạt động nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương. Quan trọng nhất phải kể đến là lễ hội đã diễn ra an toàn, thuận lợi cho đồng bào, du khách tụ về Đền Hùng, trong đó Ban tổ chức đã không để người dân phải chờ đợi lâu lúc buổi sáng tại khu vực cổng đền chính. Đây là nơi biển người hội tụ dễ xảy ra chen lấn, xô đẩy cực kỳ nguy hiểm trong tâm lý muốn được lên Đền sớm.
Ghi nhận 5 ngày diễn ra lễ hội với gần 8 triệu lượt người hành hương về Đất Tổ đã không xảy ra những vụ việc hình sự, cháy nổ, thương vong và ùn tắc giao thông kéo dài. Với kinh nghiệm ứng phó nhiều năm, Công an tỉnh Phú Thọ đã làm tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự với sự hỗ trợ của Quân khu 2. Đặc biệt về giao thông, Phú Thọ đã làm tốt công tác phân luồng từ xa và bố trí điều tiết giao thông khoa học, hợp lý, do đó không xảy ra tình trạng ùn tắc và tai nạn trong khu vực lễ hội. Được biết từ năm tới, thành phố Việt Trì sẽ lắp đặt hàng trăm camera giám sát và điều tiết giao thông phục vụ lễ hội.
Chất lượng dịch vụ các nhà hàng khu vực quanh Đền Hùng được cho là chưa cao và hoàn toàn không có hành vi “chặt chém” thường thấy ở các lễ hội khác (30-35.000 đồng/bát phở, gửi xe máy 5.000 đồng/chiếc, ô tô 25.000 đồng/xe 4 chỗ, nhà nghỉ bình dân 200.000 đồng/đêm…) và đạt an toàn thực phẩm. Sự kiểm tra nghiêm ngặt của Ban tổ chức đã tác động hiệu quả đến các hộ kinh doanh, đã mạnh tay xử lý một số trường hợp vi phạm.
Hoạt động phần hội diễn ra những ngày qua, như hội trại văn hóa các địa phương; hội bơi chải Sông Lô; hội sách, thi đấu thể thao, trưng bày hiện vật cổ thời Hùng Vương; biểu diễn hát Xoan; thi nấu bánh chưng bánh giầy; rước kiệu, đêm pháo hoa… để lại cho du khách nhiều trải nghiệm giá trị về nét đẹp văn hóa truyền thống Việt. Hành hương về miền đất có di sản của nhân loại (Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương), du khách thêm một lần hiểu hơn giá trị của văn hóa Việt Nam trong đời sống cộng đồng dân tộc, những người cùng nguồn cội.
Tấu chiêng, dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng
Sáng 25/4, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cùng đông đảo người dân tập trung về di tích lịch sử Đình Lạc Giao (TP Buôn Ma Thuột) để tham dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
Mở đầu phần lễ là màn tấu chiêng đậm chất Tây Nguyên có tên “Gọi về sum họp” do 7 nghệ nhân thuộc đội chiêng buôn Ko Sier (TP Buôn Ma Thuột) thể hiện. Tiếp đến, là các nghi thức trang trọng như dâng lễ phẩm, hương hoa lên bàn thờ Vua Hùng; đọc Chúc văn ôn lại lịch sử hào hùng của các vị Vua Hùng thời dựng nước, lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc. Bà H’Lim Niê - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, đứng trước anh linh Đức Quốc Tổ báo cáo những thành quả mà chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã đạt được trong năm qua, đồng thời nguyện hứa sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, gắn bó, yêu thương.
l Cùng ngày, tỉnh Lâm Đồng long trọng tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền thờ Âu Lạc trên đỉnh núi Phượng Hoàng (thuộc Khu du lịch Prenn, TP Đà Lạt). Hàng ngàn người dân và du khách đã đến núi để tham dự lễ. Sau lễ tế trang nghiêm theo nghi thức truyền thống, lãnh đạo tỉnh, người dân và du khách đã dâng hương, dâng hoa và lễ vật. Phần hội diễn ra sôi động với các không gian văn hóa ẩm thực; trò chơi leo cột mỡ; múa sạp của đồng bào Tây Bắc; bài chòi của cư dân duyên hải miền Trung; giao lưu cờ tướng… Tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương trên đường Ngô Quyền diễn ra hội thi gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả dâng cúng Quốc Tổ Hùng Vương với sự tham dự của 14 đội thi đến từ 22 tổ dân phố và 3 trường học trên địa bàn phường 6.
l Nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao dựng nước, giữ nước vĩ đại của các Vua Hùng, khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên tổ chức Lễ hội Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương vào sáng 25/4 với chuỗi hoạt động đậm đà bản sắc dân tộc. Phần lễ được tổ chức trọng thể tại Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương dưới sự chủ trì của Ban tế lễ Lăng Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc.
Cùng với đó, lễ hội còn diễn ra lễ rước kiệu “Quốc tổ Hùng Vương vi hành miền đất tứ linh” trong không gian rực rỡ cờ hoa, tưng bừng trống hội, tái hiện những chiến công vang dội cùng những dấu ấn vàng son của đất nước dưới triều đại Hùng Vương.
Lễ hội còn diễn ra chương trình sân khấu hóa hùng tráng “Hùng thiêng Âu Lạc” nhằm tái hiện lại huyền sử “cha Rồng mẹ Tiên” hào hùng của đất nước.
Kim Anh - Huỳnh Thủy - Ngô Tùng
Ngày chính Giỗ tại Đền Hùng dưới cơn mưa lớn, hàng trăm đoàn viên thanh niên mặc áo xanh tình nguyện sẵn sàng nhường lại ô che hoặc áo mưa cho du khách đã để lại hình ảnh tốt đẹp. Đường leo bậc lên núi nhiều đoạn dễ trượt ngã đã được các bạn trẻ phối hợp với hàng trăm chiến sỹ cảnh sát và bộ đội Quân khu 2 đứng dọc triền núi đỡ du khách bước lên. Tất cả sẵn sàng chịu ướt, thậm chí nhiều bạn trẻ đã thấm mệt, nhưng vẫn bám trụ vị trí thực hiện nhiệm vụ.