Diễn đàn Hà Nội 2018 tập trung thảo luận vấn đề “Hướng đến phát triển bền vững - Ứng phó biến đổi khí hậu để bảo đảm bền vững và an ninh”, thu hút hơn 500 đại biểu là lãnh đạo, cựu lãnh đạo của các quốc gia, các chính khách, lãnh đạo tập đoàn và các tổ chức quốc tế, các học giả và nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới tham dự.
Phát biểu tại lễ khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn, giám đốc ĐH Quốc gia khẳng định kể từ khi các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) được xác lập năm 1992 và Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) được 193 quốc gia thông qua năm 2015, thế giới đã chứng kiến sự phát triển vươn lên ngoạn mục của nhiều quốc gia song hành với sự cải thiện đáng kể chất lượng sống của hàng tỷ người dân.
Cùng với sự phát triển thần kỳ về kinh tế và khoa học công nghệ, nhân loại cũng đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có về biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng phủ khắp với những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đe dọa an ninh và phát triển bền vững của toàn thể nhân loại.
Được đánh giá là một trong số ít các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam đang phải đối diện với những thách thức to lớn để bảo vệ thành quả đạt được sau hơn 30 năm đổi mới nền kinh tế và hướng tới sự phát triển bền vững hơn. Với vị trí một đại học lớn hàng đầu Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội có sứ mệnh đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề lớn của quốc gia và luôn đồng hành cùng các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và các Bộ/ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững thông qua các hoạt động tư vấn chính sách, nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Diễn đàn Hà Nội với chất lượng khoa học cao là một minh chứng rõ nét cho sự đồng hành của ĐHQGHN cùng với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan để giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu và xây dựng chương trình hành động quốc gia. Những kết quả nghiên cứu khoa học báo cáo tại Diễn đàn sẽ là cơ sở quan trọng đóng góp cho báo cáo của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu 2018 (COP24) sẽ diễn ra tại Ba Lan vào đầu tháng 12 tới đây. Đồng thời, những khuyến nghị chính sách cho sự phát triển bền vững đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Mê Kông sẽ là điểm nhấn quan trọng trong Diễn đàn Hà Nội 2018.
Kéo dài trong 3 ngày, Diễn đàn là dịp các đại biểu, các nhà khoa học trao đổi học thuật và chính sách liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững với một số mục tiêu cốt lõi như: Xác định và phân tích các bằng chứng về tác động của biến đổi khí hậu; thảo luận về mô hình, bài học được áp dụng thành công trong ứng phó biến đổi khí hậu; hỗ trợ, tư vấn các cơ quan chính phủ, các tổ chức xã hội, khối tư nhân để xây dựng chính sách và chiến lược ứng phó chủ động hơn với biến đổi khí hậu; đóng góp các giải pháp tiên tiến để xây dựng một xã hội hài hòa, phát thải carbon thấp và thích ứng tốt trong bối cảnh biến đổi khí hậu; đẩy mạnh đào tạo và nghiên cứu và tăng cường hợp tác để đẩy mạnh công tác ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp độ quốc tế và khu vực.