Ngày 25/10, hội nghị quốc tế về thành phố thông minh 2017 (Smart City 2017) do UBND TPHCM phối hợp Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại dương (ASOCIO) tổ chức đã khai mạc tại TPHCM.
Hội nghị nhằm chia sẻ tầm nhìn, chiến lược và kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh, đưa ra những chiến lược, giải pháp quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị thông minh dựa trên các nền tảng công nghệ tiên tiến.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết: TPHCM là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của Việt Nam với dân số 8,44 triệu người, chiếm 9,1% tổng số dân cả nước, đóng góp 28,6% trong tổng thu năm 2016 của quốc gia, GDP bình quân năm 2016 đạt 5.122 USD/người.
Theo công bố tại hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vào tháng 1/2017 tại Thụy Sĩ, TPHCM được xếp hạng là TP năng động hàng đầu thế giới.
Theo ông Nhân, với mong muốn phát huy tối đa tiềm năng của TPHCM, nhiều năm qua, lãnh đạo các cấp đã đặt mục tiêu TPHCM phải vươn lên ngang tầm với các đô thị lớn của các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, đến nay tốc độ phát triển đô thị của TPHCM vẫn còn chậm. Khoảng cách “hiện đại hóa đô thị” so với các thành phố lớn trong khu vực vẫn còn khiêm tốn.
“Xây dựng đô thị thông minh đóng vai trò là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để thúc đẩy TPHCM phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đẩy nhanh quá trình thu hẹp khoảng cách với các thành phố khác trong khu vực… Để thực hiện mục tiêu đó, TPHCM đã và đang tổ chức xây dựng Đề án xây dựng TPHCM trở thành thành phố thông minh và xác định đây là một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu”, ông Nhân cho hay.
Đề án hướng đến bốn mục tiêu là đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế; hướng đến kinh tế tri thức, nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; quản trị đô thị hiệu quả; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân - phát huy trí tuệ nhân dân.
Vị lãnh đạo cao nhất TPHCM cũng chỉ ra muốn thực hiện được đô thị thông minh phải ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển đô thị một cách hiệu quả hơn như dân số đô thị tăng; hạ tầng lạc hậu, quá tải; đòi hỏi của người dân về chất lượng cuộc sống tăng,...
“Việc quản lý thành phố lớn không thể bằng kinh nghiệm thông thường mà phải là quản lý có dự báo, phải thấy trước vấn đề khó khăn và ngăn chặn không để xảy ra, tránh ách tắc, đảm bảo phát triển bền vững. Do đó, TPHCM sẽ tập trung thực hiện chiến lược xây dựng đô thị thông minh là quy hoạch thông minh thành phố phát triển bền vững; quản lý ngành thông minh - công dân thông minh - doanh nghiệp thông minh”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các đại biểu, chuyên gia tập trung vào 3 chuyên đề chính gồm: Thành phố thông minh - Tầm nhìn của lãnh đạo các thành phố; nền tảng internet vạn vật cho thành phố thông minh; dịch vụ số của thành phố thông minh.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng đề xuất giải pháp cụ thể về xây dựng, phát triển đô thị thông minh cho TPHCM, giới thiệu các giải pháp công nghệ thông tin để giải quyết các vấn đề mà thành phố đang quan tâm như: Trung tâm chỉ huy của thành phố, giao thông, an ninh trật tự, môi trường, năng lượng, cấp thoát nước…
Ngoài ra, các đại biểu quốc tế cũng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát triển thành phố thông minh của Singapore…