Doanh nghiệp Trường Sơn Xanh – đơn vị đầu tư và quản lý bến xe Đức Trọng (Lâm Đồng) cho biết, sáng 6/11, Sở TNMT Lâm Đồng yêu cầu doanh nghiệp này giao nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên diện tích hơn 4 nghìn m2 đất mà đơn vị thuê của UBND tỉnh Lâm Đồng làm bến xe.
Được biết, đến nay Sở TNMT đã 3 lần phát văn bản yêu cầu doanh nghiệp giao nộp giấy tờ, căn cứ trên Quyết định số 2009 do UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành ngày 16/9, thu hồi đất của bến xe đang hoạt động.
Cho rằng Quyết định trên của tỉnh Lâm Đồng không thỏa đáng, doanh nghiệp Trường Sơn Xanh khởi kiện. Ngày 23/10, TAND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã nhận đơn khởi kiện của doanh nghiệp.
Đáng lưu ý, trước khi có quyết định (thu hồi), Thanh tra tỉnh này đã vào cuộc và có kết luận. Theo đó, thanh tra tỉnh chỉ xử phạt vi phạm hành chính (chủ đầu tư bến xe đã nộp phạt và hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng bổ sung). Kết luận cũng cho biết, doanh nghiệp triển khai dự án tại thời điểm tỉnh đang thực hiện chính sách thu hút vốn đầu tư để phát triển kinh tế xã hội; một số quy định của nhà nước về xã hội hóa bến xe khách còn chưa cụ thể dẫn đến khó khăn, vướng mắc...
Trong đơn khiếu nại, Trường Sơn Xanh đưa ra các căn cứ pháp lý khởi kiện Quyết định 2009 của UBND tỉnh Lâm Đồng: Theo Khoản 2 Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định “Việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai phải căn cứ vào văn bản, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai”.
Thế nhưng, tại phần căn cứ, Quyết định 2009 của UBND tỉnh Lâm Đồng không thể hiện bất kỳ văn bản hay quyết định nào của cơ quan có thẩm quyền xác định Trường Sơn Xanh có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Theo đó, doanh nghiệp cho rằng, căn cứ ban hành Quyết định số 2009 của UBND tỉnh Lâm Đồng không đáp ứng đủ điều kiện để thu hồi đất.
UBND tỉnh Lâm Đồng xác định căn cứ, lý do thu hồi đất là Trường Sơn Xanh đã sử dụng không đúng mục đích sử dụng đất đã được nhà nước cho thuê. Trong khi đó, Thanh tra tỉnh đánh giá, các sai phạm tại dự án chủ yếu xảy ra trong thời kỳ từ năm 2008 đến năm 2013, do các cổ đông cũ gây ra. Cho đến nay, các cổ đông mới đã khắc phục xong.
Ngoài ra, giấy chứng nhận đầu tư tỉnh Lâm Đồng cấp cho Trường Sơn Xanh (ngày 11/8/2008) và các giấy phép liên quan đến bến xe (Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cấp) đang còn hiệu lực. Chưa kể, trên thực tế, cả huyện Đức Trọng chỉ duy nhất bến xe này đang hoạt động hợp pháp.
Bến xe Đức Trọng hoạt động được 10 năm và sau kết luận thanh tra, doanh nghiệp đã gửi UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo đã khắc phục sai phạm toàn bộ vấn đề xây dựng (theo ý kiến đề xuất của cơ quan chức năng). "Việc chấm dứt toàn bộ dự án, không xem xét đến quyền, lợi ích hợp pháp, công sức, tiền bạc của chủ đầu tư đã bỏ ra là không bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp, quyền lợi của nhân dân địa phương", ông Phan Văn Hải, Giám đốc Cty TNHH Trường Sơn Xanh nói.
Theo luật sư Nguyễn Hà (Đoàn luật sư Hà Nội), căn cứ Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong thời gian thụ lý và giải quyết vụ án, toà phải có văn bản yêu cầu giữ nguyên hiện trạng khu đất, nhằm tránh các hệ quả nghiêm trọng có thể xảy ra trong trường hợp quyết định thu hồi đất được kết luận trái pháp luật.