Bí quyết ủ trong ché rượu cần

Rượu cần trong lễ cúng của người Xê đăng.
Rượu cần trong lễ cúng của người Xê đăng.
TP - Từ bao đời, thưởng thức rượu cần là phong tục đặc trưng trong các dịp lễ hội truyền thống, những bữa tiệc đãi khách của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Ngày nay, loại rượu cần làm từ men lá rừng không chỉ là thức uống không thể thiếu ở buôn làng, mà đã chu du khắp phố phường bởi sự yêu thích của du khách thập phương.

Ngất ngây men rượu cần

Những ngày này, nông dân các tỉnh Tây Nguyên đang tất bật cho vụ thu hoạch cà phê, còn đồng bào các dân tộc Ê đê, M’nông, Xê đăng, Jrai…vẫn miệt mài ủ những ghè rượu cần thơm ngon cho gia đình, bạn bè, khách hàng đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Chị H’Dức Mlô ở buôn Sứk, xã Ea Đar, huyện Ea Kar, Đắk Lắk cho hay: cứ vào tháng 11 dương lịch hằng năm chị đều chuẩn bị 20 ché rượu cần lớn nhỏ đủ loại để gia đình, họ hàng cùng thưởng thức vào dịp Tết hay khi nhà có tiệc. Số dư còn lại chị bán cho người dân trong buôn với giá 150 – 200 nghìn đồng ché nhỏ, 500-800 nghìn đồng ché lớn bao gồm cả ché và cần hút. Rượu cần Ê đê có vị hơi cay, ngọt lịm, uống không bị nhức đầu nên người già, trẻ đều thưởng thức được. Đặc biệt, uống rượu cần còn thể hiện sự gắn kết, đùm bọc lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình nhất là trong dịp đầu xuân năm mới.

Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ rượu cần cao trong khi số người biết làm ngày càng ít đi, Amí Dzoan ở buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk quyết định sản xuất rượu cần theo hướng chuyên nghiệp, nhưng giữ nguyên vẹn hương vị đặc trưng truyền thống. Theo Amí Dzoan, mỗi buôn làng, tộc người đều có bí quyết làm rượu riêng. Người Ê đê làm rượu khác người Ba Na, M’nông… Người Jrai sinh sống ở Đắk Lắk ủ men khác với người Jrai vùng Gia Lai, Kon Tum…

Anh Tâm trăn trở: Hiện nay một số người chạy theo lợi nhuận, sử dụng men công nghiệp để ủ khiến chất lượng rượu cần giảm hẳn. Cách làm này mang lại lợi nhuận trước mắt cho người kinh doanh, nhưng về lâu dài sẽ làm mất niềm tin của khách hàng vào sản phẩm rượu truyền thống của Tây Nguyên.

Để có ché rượu cần thơm ngon đủ vị đắng-cay-chua-ngọt, người chế biến phải tinh tế từ cách chọn nguyên liệu đến khâu chế biến thủ công theo cách truyền thống. Nguyên liệu chính làm rượu gồm: bắp ngô, sắn, gạo nếp… nấu chín trộn với trấu sạch và men rượu sau đó cho vào ché bịt kín miệng để nơi thoáng mát. Bí quyết làm nên hương vị đặc trưng nằm trong men rượu – loại men được làm từ các loại rễ cây trong rừng. Công đoạn làm men rượu luôn được giữ tuyệt mật, không hé lộ với bất kỳ ai trừ con cháu trong nhà.

Men rượu của người Ê đê được làm từ cây ơka ngăm (cây ngọt), củ riềng đỏ, gừng dại. Các loại cây này mang về rửa sạch, phơi sơ qua một nắng rồi giã nhuyễn cùng với một ít nếp rang cháy. Đây là loại men cổ xưa giúp rượu cần ủ càng lâu càng ngon,  hiện rất hiếm người làm được.

Nhờ học được bí quyết ủ rượu do cha truyền lại, cùng với niềm say mê nghiên cứu, tìm tòi, Amí Dzoan đã tạo được sản phẩm thơm ngon nổi tiếng khắp vùng, bán từ Đắk Lắk đến các thành phố lớn như Đà Nẵng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí theo chân khách du lịch lên máy bay ra nước ngoài. Rượu Amí Dzoan làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Tuy nhiên, bà chỉ làm số lượng có hạn để đảm bảo chất lượng, giữ thương hiệu rượu cần Tây Nguyên.

Những đoạn phố rượu cần

Vượt ra khỏi ranh giới buôn làng, rượu cần có mặt khắp các góc phố, trở thành thứ đặc sản Tây Nguyên được du khách thập phương ưa chuộng. Dọc quanh các tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, Mai Hắc Đế, Lý Thường Kiệt, Lê Thánh Tông, Phan Bội Châu ở nội thành Buôn Ma Thuột, không khó để bắt gặp nhiều cửa hàng nối tiếp nhau bày bán rượu cần với các thương hiệu nổi tiếng như Y Pao, Y Miên,  Y Nguyên, Hải Tây Nguyên. Đa số chủ sản xuất rượu cần là người Kinh, đều bị men rượu cần quyến rũ.

Kể về cơ duyên sản xuất, kinh doanh rượu cần Tây Nguyên, anh Đặng Minh Tâm chủ cơ sở rượu cần Y Pao tâm sự: Khi còn là sinh viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Tây Nguyên, anh đã có cơ hội đến hàng trăm buôn làng sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian. Đi đến đâu, anh Tâm cũng được đồng bào các dân tộc Ê đê, M’nông... chào đón nhiệt tình bằng những ché rượu cần thơm ngon nồng ấm. Năm 2001, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ rượu cần đầy tiềm năng, anh Tâm quyết định biến sản phẩm văn hóa thành sản phẩm hàng hóa. Trải qua nhiều lần thất bại, cuối cùng anh đã thành công trong việc tạo ra sản phẩm rượu hội tụ nhiều ưu điểm đặc trưng của dân tộc Ê đê (rượu nhiều vị chua- cay -đắng - ngọt), rượu M’ Nông (có màu vàng óng), rượu Mường (có vị ngọt thơm), tạo nên thương hiệu rượu Y Pao. Nhờ nắm bắt được hương vị ưa thích của khách hàng, rượu cần Y Pao luôn được khách hàng ưa chuộng, mỗi năm cho ra thị trường vài chục nghìn ché rượu đủ loại từ 3 - 30 lít/ché ở khắp các tỉnh miền Trung  - Tây Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL…

MỚI - NÓNG