Trên bậc cửa nhà sàn gỗ truyền thống của người Gia Rai, ông Y Coh Hra- tên thường gọi là Ma Pho (59 tuổi) C1 (thị trấn Ea Súp, Đắk Lắk) đang lướt tay qua các dây nối trên ống nứa của đàn Goong tạo thành một thứ âm thanh kỳ diệu.
“Để làm một chiếc đàn Goong không khó, trước tiên cần chọn một ống nứa hoặc tre thật già có chiều dài 70 – 80 cm, hong khô trên gác bếp lửa, 1-2 quả bầu to, tròn được lấy ruột phơi khô, 12 dây kẽm hoặc dây đàn ghi ta và một ít tre hoặc gỗ để làm tai đàn. Cây đàn Goong tôi đang sử dụng có chiều dài 70cm, 2 đầu được gắn 2 quả bầu khô giúp âm thanh của đàn được to và trong hơn so với đàn 1 bầu. Để sử dụng được đàn Goong, người học phải luyện tập ít nhất vài ba tháng. Khi đánh gốc đàn được chống vào bụng, bàn tay đỡ thân đàn, ngón tay gảy dây !”, Ma Pho nói.
Giữa buôn, trên bậc thềm ngôi nhà xây cấp 4, nghệ nhân Y Bung Hra
năm nay đã bước sang tuổi 106 ngồi kể chuyện về cây đàn Goong cho chúng tôi nghe. Trai Gia Rai đi tán gái, lấy được vợ đều cần có đàn Goong. Những đêm trăng sáng, trai gái thôn bản ngồi quây quần bên bếp lửa, nhờ tiếng đàn Goong mà nhiều cặp đã thành vợ, thành chồng…
Biết chơi đàn Goong từ khi còn nhỏ, ông Y Te Hra (buôn Mtha, xã Ea Rốk, Ea Súp) kể “Ngày xưa tiếng đàn Goong có mặt ở mọi nơi, theo bước chân các chàng trai, cô gái trên đường đi nương rẫy, kề bên nhau tâm sự trong ngày lễ hội ở buôn làng. Thời đó hầu như trai làng nào cũng biết chơi đàn Goong, nhưng bây giờ cả làng chỉ có một số ít người già biết chơi loại nhạc cụ này, thanh niên chỉ thích chơi đàn điện tử, không ai chịu học đàn T’rưng, đàn Goong…”.