Một vài lưu ý có thể giúp chị em nhẹ gánh và tăng sức bền.
Bận rộn như tết
Với phụ nữ đã lập gia đình và có con nhỏ, nhiệm vụ ngày giáp tết thường là lo quần áo cho con, quà cho cha mẹ hai bên, bữa ăn gia đình ngày tết, thức ăn dự trữ mời bạn bè, chuẩn bị về quê và xử lý hết công việc cơ quan, dọn dẹp nhà, làm đẹp, chăm sóc bản thân…
Việc chuẩn bị món ăn ngày tết không còn đơn giản như trước đây vì phải chọn lọc nguồn nguyên liệu an toàn. Mua mệt, làm cực dẫn đến tiếc của, món nào ế là ăn cố, hậu quả là nhiều chị em đã lên vài ký sau dịp nghỉ tết.
Tuy nhiên, nguy cơ tổn hại sức khỏe và nguy hiểm tới tính mạng thường đe dọa những người trên 45 tuổi. Người thừa cân, béo phì hoặc bị một bệnh mãn tính: tim mạch, rối loạn mỡ máu, tiểu đường… sẽ trở nặng khi dùng nhiều các món bánh chưng, bánh tét chiên, thịt nguội, dưa hành... vì các món này chứa nhiều năng lượng, mỡ, muối, đường…
Thời điểm cận tết và tết, trẻ dễ mắc các bệnh: rối loạn tiêu hóa, mắc bệnh hô hấp. Tai nạn trẻ dưới ba tuổi thường gặp là hóc dị vật (các loại hạt, kẹo…), bỏng lửa, nước sôi do người lớn mải làm, mải nấu nướng, ngộ độc thực phẩm do thực phẩm bảo quản không đúng cách…
Những người có gia đình ở xa còn phải lo “khăn gói” về quê. Tất cả mọi thứ đều qua tay cô nàng nội trợ từ thuốc, thức ăn cho con khi đi tàu xe, quần áo, thực phẩm, sữa… Sự lo lắng làm cho thần kinh của họ lúc nào cũng căng như dây đàn nên khi mọi việc đi vào quỹ đạo thì cảm giác mệt mỏi chiếm lĩnh toàn cơ thể, thậm chí có thể phát bệnh vì quá sức.
Bí quyết giữ sức
Chị em nên tổ chức bữa ăn gia đình khoa học nhanh và gọn bằng cách lên danh sách món ăn những ngày tết như: ngày 29 ăn gì, mùng 1 ăn gì, mùng 2 ra sao… sau đó, sơ chế tẩm ướp và để riêng từng gói, từng hộp, đem cấp đông, để tới ngày chỉ việc đem ra nấu nướng, cúng giỗ. Ngày tết do nhiều món ăn vặt nên thức ăn có nguy cơ cao bị dư thừa, cần tính toán kỹ lưỡng, ưu tiên chọn các món như: chả giò cuốn sẵn, chả mực, chả cá… ăn đến đâu chiên, hấp đến đó.
Các món truyền thống: canh măng, thịt kho, canh khổ qua… cũng không nên nấu quá nhiều, khiến mọi người ngán và bảo quản không an toàn, dễ nhiễm bệnh. Cần nhớ là tết nay đã khác xưa, các cửa hàng, siêu thị mở cửa sớm, vì vậy không cần trữ thực phẩm quá nhiều.
Nên nấu những món nóng sốt và tăng cường rau, củ, quả để có thêm sinh tố và khoáng chất như: lẩu, cháo (nấu với kê, ngũ cốc hoặc nấm), xúp bắp, canh hầm (rau củ, bắp, khoai, bông cải…) (sử dụng nồi ủ để đỡ tốn nhiên liệu và có ăn ngay sau khi đi chơi về).
Cũng cần giữ cân nặng bằng cách chế biến các món có nhiều rau xanh, củ quả như: lẩu, mì xào rau củ, rau củ quả hấp, cơm hấp trộn trứng muối, chả lụa, đậu cô ve, cà rốt, nấm… thay vì các món chiên. Các món thịt kho, thịt nguội thay vì ăn với cơm thì cuốn bánh tráng rau sống vừa lạ miệng lại thêm rau, bớt tinh bột…
Với gia đình có trẻ nhỏ dưới ba tuổi, ngoài việc không để các loại kẹo, bánh, trái cây trong tầm tay, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ để tránh bệnh đường hô hấp. Nếu nhà neo người, nên đặt trẻ vào cũi khi xuống bếp làm thức ăn để tránh tai nạn. Các bé cần có chế độ ăn riêng, ăn ngay sau khi nấu, không cho bé dùng món nguội, món hâm đi hâm lại…
Cần thay đổi tư duy, không ôm việc, việc mua sắm tốt nhất là thực hiện vào ngày nghỉ cuối tuần, kết hợp vui chơi. “Làm một mình cực thân”, thời điểm cả chồng và con cũng đã nghỉ tết, hãy chia sẻ công việc với chồng và dạy con thêm kỹ năng sống qua các việc: lặt rau, gọt củ, tẩm ướp gia vị, lau chùi nhà cửa và bếp sau khi nấu nướng, rủ chồng con đi chợ cùng… Sự chia sẻ này giúp cho chị em có thời gian giữ gìn sức khỏe, luyện tập thể dục. Nội tiết tố serotonin được phóng thích sẽ giúp ngủ ngon và cơ thể nạp đủ năng lượng cho ngày lao động bận rộn vào hôm sau.
Nhiều người mách nhau rèn sức khỏe bằng cách tắm xen kẽ nước lạnh và nước nóng vào buổi sáng trước khi ăn điểm tâm. Điều này, theo lương y Đinh Công Bảy - Hội Dược liệu TP. HCM là không nên, vì tắm nóng - lạnh xen kẽ không tốt với người có tuổi hoặc đang có bệnh trong người.