Bí quyết ăn uống giữ dáng, chống ngấy ngày Tết

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Nếu bạn vẫn chưa tập được thói quen ăn uống khoa học và lành mạnh, hãy thay đổi ngay vào năm mới:

1. Không bao giờ bỏ bữa sáng

Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Nó giúp khởi động quá trình trao đổi chất và cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động. Một bữa sáng lý tưởng nên bao gồm protein, ngũ cốc nguyên cám, trái cây tươi và sản phẩm từ sữa ít béo.

2. Dành nhiều thời gian nấu nướng

Bạn hãy hạn chế ăn ngoài hàng với đồ ăn nhanh hay thực phẩm chế biến sẵn không tốt cho sức khỏe. Thay vào đó, hãy dành thời gian tự nấu nướng tại nhà, bạn sẽ dễ dàng kiểm soát được thành phần, khẩu phẩn và độ an toàn của các nguyên liệu.

3. Chú ý khẩu phần ăn

Một trong những sai lầm mà mọi người thường mắc phải là chưa hiểu đúng về khẩu phần ăn. Nếu ăn quá nhiều thì cho dù bạn ăn những thực phẩm tốt cho sức khỏe cũng khó tránh được việc tăng cân.

4. Uống nhiều nước

Hãy chắc chắn là bạn uống đủ nước mỗi ngày. Bạn có thể thêm những loại trái cây hay thảo mộc vào nước lọc để tăng hương vị, bổ sung dinh dưỡng và thải độc hiệu quả cho cơ thể như chanh, dưa chuột, gừng, bạc hà. Bạn cũng có thể chọn trà thảo mộc hoặc cà phê, hạn chế các loại đồ uống chứa đường và chất tạo ngọt chứa nhiều calo.

5. Giảm thịt và tăng cá

Bạn nên giảm ăn chất béo bão hòa từ thịt mà tăng cường ăn các loại cá. Cá là thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt với dưỡng chất Omega-3 rất tốt cho não bộ, tim, mắt và cải thiện tâm trạng.

6. Tăng cường rau củ

Đã đến lúc bạn tăng cường bổ sung các loại rau củ vào chế độ ăn mỗi ngày của bạn với 5 phần rau củ và trái cây.

7. Tăng cường chất xơ

Bổ sung thêm chất xơ bằng các loại ngũ cốc nguyên cám như hạt quinoa, gạo lức, bột mì nguyên cám…

8. Bổ sung Omega-3

Axit béo Omega-3 giúp duy trì huyết áp và cải thiện tâm trạng. Các nguồn bổ sung Omega-3 dồi dào gồm cá hồi, cá trích, cá thu, hạt óc chó, hạt lanh…

9. Giảm lượng đường

Bạn hãy cắt giảm các món ăn vặt, bánh kẹo ngọt, nước giải khát có đường… Hãy kiểm tra cẩn thận nhãn mác và thông tin dinh dưỡng của sản phẩm trước khi mua.

10. Chọn chất béo tốt cho sức khỏe

Bạn không nên cắt bỏ hoàn toàn chất béo ra khỏi chế độ ăn mà hãy lựa chọn chất béo tốt cho sức khỏe. Chẳng hạn như bạn có thể dùng dầu ô liu, hạt dẻ, hạt óc chó, quả bơ, hạnh nhân và vừng.

11. Bổ sung đồ ăn lên men

Các thực phẩm lên men như kimchi, rau củ muối, sữa chua, tương miso, nước tương lên men từ đậu nành… đều tốt cho sức khỏe.

12. Giảm các loại thịt chế biến sẵn

Các loại thịt chế biến sẵn như thịt hun khói thường chứa nhiều nitrat và muối (do quá trình chế biến, bảo quản) không tốt cho sức khỏe.

13. Ăn thực phẩm toàn phần

Thực phẩm toàn phần là các thức phẩm ít hoặc không qua chế biến giúp giảm các nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim và ung thư. Ăn nhiều thực phẩm toàn phần nghĩa là tăng cường chất xơ, carb phức hợp và giảm các loại carb tinh luyện, đường và muối.

MỚI - NÓNG