"Bí mật" về cuộc sống bóng đá của con trai Gadhafi

Al-Saadi Gadhafi tranh bóng với Del Pierro - Ảnh Internet
Al-Saadi Gadhafi tranh bóng với Del Pierro - Ảnh Internet
Cùng với cái chết của nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi của Libya, bóng đá thế giới cũng đã không còn được những chứng kiến những câu chuyện bi hài liên quan tới danh thủ Al-Saadi Gadhafi.

Khi cha mình còn nắm giữ quyền lực tại Libya, Al-Saadi Gadhafi được hưởng lợi bằng việc có được ba hợp đồng với các đội bóng danh tiếng tại Serie A như Perugia, Udinese và Sampdoria. Cầu thủ này cũng từng tập luyện ở Lazio và Juventus. Tuy nhiên, khi vương triều của Moammar Gadhafi sụp đổ tại Libya, Al-Saadi đã từ một trong những cầu thủ nổi danh nhất Libya và bóng đá Bắc Phi trở thành một trong những tên tội phạm bị truy nã gắt gao nhất thế giới.

Trước đây, Al-Saadi Gadhafi từng 18 lần khoác áo ĐTQG Libya song với khả năng của mình, cầu thủ này khó có thể kiếm được một vị trí trong đội hình các CLB đang dự Seria A. Tuy nhiên, Al-Saadi Gadhafi đã có tám năm “ăn cơm” bóng đá chuyên nghiệp tại Italy, được di chuyển cùng với các đội bóng và từng tham gia các trận đấu của đội dự bị và đôi lần ra sân ở Serie A.

Nói về Al-Saadi Gadhafi, tiền đạo Jay Bothroyd, người từng chơi cùng Al-Saadi ở Perugia, cho hay: “Anh ta không phải cầu thủ xuất sắc nhất song năng lực không phải lý do. Al-Saadi coi bóng đá như một thú tiêu khiển. Al-Saadi rất giàu và anh ấy muốn được chơi bóng đá và tập luyện hàng ngày. Và anh ấy quyết định làm vậy. Ở đội, Al-Saadi chưa bao giờ muốn được đối xử ưu đãi hơn các cầu thủ khác song có một thực tế rằng luôn có vệ sĩ đi sát anh ta”.

Dù không có khả năng nổi trội song việc Al-Saadi Gadhafi khoác áo một số đội bóng ở Serie A dường như là một điều gì đó không tưởng. Tuy vậy, chính trị đã có tác động tới những quyết định của các đội bóng ở Serie A. Đầu tiên phải kể tới mối quan hệ ngoại giao mạnh mẽ giữa Italy và Libya, quốc gia từng là thuộc địa của Italy từ 1911 tới 1947. Bên cạnh đó, những mối liên hệ kinh tế giữa các tập đoàn kinh tế Italy với mỏ dầu của “nhà Gadhafi”, trong đó phải kể đến việc hãng Fiat đầu tư khá nhiều cho dầu mỏ Libiy và gia đình Gadhafi cũng từng nắm giữ 7% cổ phần của Juventus.

Chính bởi những tác động từ chính trị và kinh tế mà có không ít lần, cái tên Al-Saadi Gadhafi nổi bật trên các trang báo ở Italia. Điển hình là lần HLV Serse Cosmi từ chối yêu cầu của ông chủ Luiciano Gaucci của Perugia, người đã gây sức ép để Al-Saadi Gadhafi có tên trong đội hình ra sân. Tuy nhiên, bất chấp sức ép từ ông chủ, HLV Perugia Serse Cosmi từ chối sử dụng tiền đạo người Libya, lúc đó đã 30 tuổi. Gaucci đã lên báo và đưa ra một lời giải thích không được kiểm chứng về hợp đồng này: “Berlusconi (Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi) đã gọi và khuyến khích tôi. Ông ấy bảo tôi giữ Gadhafi trong đội hình giúp cho quan hệ của chúng ta với Libya. Nếu anh ấy chơi tệ, thì đành chịu vậy”. Gaucci phải công khai năn nỉ Cosmi, yêu cầu HLV này để Gadhafi ra sân chỉ trong một hiệp, nhưng Cosmi dứt khoát không đồng ý và Saadi cứ việc ngồi trên ghế dự bị.

Sau đó, Gadhafi chuyển tới Udinese, một đội bóng thường xuất hiện trong nhóm dẫn đầu Serie A. Tại đây, con trai của nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi đã được ra sân nhưng đó là lần vào thay người trong khi trận đấu với Cagliari chỉ còn những phút bù giờ “vô thưởng vô hại”. Và trong vụ chuyển nhượng cuối cùng tới Sampdoria, Al-Saadi Gadhafi bị giới hạn tập luyện và thường xuyên góp mặt trong đội hình đội dự bị, thay vì đội hình chính.

Al-Saadi Gadhafi tranh bóng với Del Pierro - Ảnh Internet
Al-Saadi Gadhafi tranh bóng với Del Pierro - Ảnh Internet.

Không giống như cha mình, Al-Saadi Gadhafi là một nhân vật khá thân thiện trong phòng thay đồ, vốn có thể bắt nguồn từ tiềm lực tài chính vô hạn của cầu thủ này. Theo tiền đạo Bothroyd, Al-Saadi từng thuê máy bay riêng để cùng anh tới Cannes xem đua xe. Và có lần, Al-Saadi còn chơi trội bằng cách thanh toán toàn bộ chi phí cho tuần trăng mật của Bothroyd ở Los Angeles và Hawaii.

Không như nơi đất khách quê người, Al-Saadi Gadhafi rất nổi danh ở quê nhà. Dường như bóng đá Libya được tổ chức để phục vụ con trai nhà lãnh đạo Libya vừa bị lật đổ. Trong số các trận đấu ở giải quốc nội Libya mà Al-Saadi góp mặt, BTC sân chỉ được phép xướng tên duy nhất của các cầu thủ này. Bên cạnh đó, các khoản ngân sách của chính phủ cũng từng được sử dụng để hỗ trơ sự nghiệp của Al-Saadi, cầu thủ từng thuê Diego Maradona làm cố vấn kỹ thuật còn một vận động viên Canada từng vô địch ném lao thế giới làm HLV thể lực.

Hiện Al-Saadi Gadhafi đang bị quản thúc tại thủ đô Niamey ở Niger, nơi chính phủ đương nhiệm tuyên bố không giao nộp anh cho Interpol. Trước đó, tổ chức cảnh sát quốc tế đã ra lệnh bắt giữ trên toàn thế giới với Al-Saadi cùng các nhân vật trong gia đình Gadhafi. Al-Saadi bị cáo buộc tội danh tiến hành tàn sát đẫm máu những người biểu tình trước khi nội chiến xảy ra. Hiện tương lai phía trước của Al-Saadi Gadhafi đang trở nên bất định sau khi ông Moammar Gadhafi đã chết còn anh trai của cựu danh thủ này, Saif al-Islam Gadhafi đang có ý định ra đầu thú tại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).

Theo thể thao văn hóa
Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.