Chi cục QLTT TP Đà Nẵng vừa xử phạt cửa hàng H.A cao su thiên nhiên (Công ty TNHH Thương mại - Du lịch Tuệ Dân) ở Đà Nẵng 15,5 triệu đồng do các sai phạm trong kinh doanh. Đây là cửa hàng chỉ bán hàng cho khách Trung Quốc và “cấm cửa” khách Việt mà báo chí đã phản ánh vừa qua.
Con nhà nghèo góp vốn 4,5 tỉ mở công ty
Theo Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch Đầu tư TP Đà Nẵng), Công ty TNHH thương mại và du lịch Tuệ Dân có hai thành viên góp vốn là chị Nguyễn Hoàng Phú Yên (SN 1990, trú huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) và chị Trần Thị Yến Loan (SN 1992, trú xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Theo hồ sơ đăng ký kinh doanh, công ty TNHH thương mại và du lịch Tuệ Dân có vốn điều lệ 10 tỉ đồng, trong đó chị Yên đóng góp 5,5 tỉ đồng và chị Loan đóng góp 4,5 tỉ đồng. Công ty này không có nhà đầu tư nước ngoài.
Để biết rõ hơn về gia cảnh của chị Loan, chúng tôi đã về nhà chị Loan ở thôn Phú Đông, xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) để tìm hiểu sự việc.
Theo bà Nguyễn Thị Trinh (trưởng thôn Phú Đông), chị Loan là con gái đầu của vợ chồng ông Trần Binh và bà Trần Thị Liên. Sau Loan còn có một em trai và một em gái. Dù gia đình thuộc diện cận nghèo của xã, cả ba chị em Loan đều là học sinh giỏi tại địa phương. Mấy chị em ăn học đều phải vay tiền sinh viên từ ngân hàng chính sách.
Cũng theo bà Trinh, ở thôn này, cuộc sống của hầu hết người dân còn nhiều khó khăn. Những người đi làm ăn xa tận Hà Nội, TPHCM hay Đà Nẵng thì có điều kiện hơn nhưng không ai có khả năng nắm trong tay số tiền đến vài tỉ đồng.
Trong khi đó, ông Trần Binh đã rất bất ngờ khi nghe thông tin con gái mình góp vốn 4,5 tỷ đồng để mở công ty.
Ông Binh cho biết, gia đình ông trước đây thuộc hộ cận nghèo. Bây giờ hai đứa con học xong rồi nên không nằm trong diện cận nghèo nữa. Bản thân ông trước đây cũng thất nghiệp và chỉ phụ vợ việc vặt. Ông mới tìm được việc cách đây khoảng một năm với thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Vợ ông buôn bán nhỏ ở chợ. Còn Loan học khoa tiếng Trung (ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng) mới ra trường được 2 năm.
Ông Binh khẳng định, Loan đi làm với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng Loan đưa cho bố mẹ 500 ngàn đồng. Số còn lại Loan để chi tiêu và dành dụm trả tiền vay ngân hàng thời đi học. Hiện Loan còn nợ ngân hàng 30 triệu đồng, còn em gái Loan nợ 26 triệu đồng. Đợt vừa rồi, Loan có mua chiếc xe tay ga 30 triệu, ông Binh phải vay anh em họ hàng 15 triệu để đưa cho Loan mua xe máy.
Ngôi nhà của gia đình chị Loan ở quê.
Ông Binh cũng có biết, nhà ông chỉ có sổ đỏ là vật có giá trị nhất "nhưng cái sổ đỏ đó, tôi luôn cất kỹ trong tủ, không ai đụng vào được".
“Chắc là các cô chú nhầm em nó với ai đó chứ. Con bé mới ra trường 2 năm, đi làm thuê thì lấy đâu ra tiền nhiều thế mà mở công ty”, ông Binh nói. Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa hình ảnh chị Loan ra thì ông Binh khẳng định đó là con gái mình.
Đại úy Phạm Ngọc Hùng, Trưởng Công an xã Đại Hiệp cũng bất ngờ với thông tin Loan góp gần 4,5 tỉ đồng để mở công ty chuyên bán hàng cho khách Trung Quốc. Đại úy Hùng cho rằng người giàu nhất xã Đại Hiệp cũng không có nổi từng đó tiền.
Theo đại úy Hùng, gia đình Loan thuộc diện khó khăn, Bố Loan tàn tật từ nhỏ nên chỉ làm được việc nhẹ. Ông Binh mới xin được việc ở xưởng may với lương 3 triệu/tháng. Còn mẹ Loan thì bán bánh tráng Đại Lộc, dầu phụng ở chợ chỉ đủ tiền mua gạo ăn.
"Em gái Loan học xong Cao đẳng du lịch Đà Nẵng đang ở nhà vì thất nghiệp. Tôi cho rằng, nếu Loan mà mở công ty bán hàng thì đã nhận em mình đi làm rồi", đại úy Hùng nhận định.
Chủ công ty này là ai?
Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chị Loan góp vốn 4,5 tỉ đồng, chiếm 45% vốn điều lệ. Tuy nhiên, tại buổi tiếp xúc với các phóng viên, chị Loan cho biết mình chỉ là thu ngân.
Chị Loan cũng cho biết, tại showroom có khoảng 10 người Trung Quốc do công ty du lịch cử tới để hướng dẫn, giám sát giúp bán hàng tốt hơn. Chiều 28/12, chúng tôi gặp chị Loan sau giờ làm để hỏi thêm về thông tin vừa trao đổi nhưng chị Loan từ chối trả lời và cho biết đó là chuyện riêng của mình.
Trao đổi thêm với phóng viên về nội dung này, ông Trần Binh cho biết, sau khi tốt nghiệp, Loan xin được việc ở Hội An (Quảng Nam) làm bán hàng cho chủ người Trung Quốc. Mấy tháng trước Loan cho gia đình biết, công ty đã chuyển ra Đà Nẵng.
Theo Công an phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), có 15 người Trung Quốc đăng ký tạm trú tại địa bàn phường có liên quan đến Công ty TNHH thương mại và du lịch Tuệ Dân. Những người này đăng ký theo đường đi công tác, giám sát chất lượng hàng hóa bán cho người Trung Quốc của công ty TNHH thương mại và du lịch Tuệ Dân.