Bi kịch Ukraine: Cường quốc quân sự hậu Liên Xô, nay phụ thuộc viện trợ phương Tây

Dưới sức ép của Phương Tây, Ukraine phải phá hủy máy bay Tu-160 có từ thời Liên Xô, thay vì bán chúng cho Trung Quốc
Dưới sức ép của Phương Tây, Ukraine phải phá hủy máy bay Tu-160 có từ thời Liên Xô, thay vì bán chúng cho Trung Quốc
TPO - Cộng hòa Ukraine được thành lập vào tháng 12 năm 1991 sau khi Liên Xô tan rã, sau Nga và Kazakhstan, đây là quốc gia lớn thứ ba trong số 15 quốc gia tách ra từ Liên Xô, được nhiều người coi là có một tương lai đầy hứa hẹn như một cường quốc công nghiệp lớn.

Dưới thời Liên Xô, Ukraine từng là một trong những khu vực công nghiệp hóa lớn, và sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine, theo Military Watch, không chỉ thừa hưởng một phần kho vũ khí hạt nhân và thông thường của Liên Xô bao gồm hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân, mà còn một phần lớn công nghiệp quốc phòng và công nghệ dân dụng.

Khi mới thành lập, Ukraine có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới, một đội máy bay ném bom chiến lược liên lục địa siêu âm đáng gờm và các nhà máy sản xuất một loạt các hệ thống vũ khí tiên tiến. Hai xe tăng chiến đấu hạng nặng chính của Liên Xô, T-80 và T-64, đều chưa bao giờ được xuất khẩu, phần lớn được sản xuất trên lãnh thổ Ukraine.

 Các công nghệ liên quan đến động cơ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và chương trình không gian của Liên Xô cũng được săn đón trên toàn thế giới, không chỉ bởi các quốc gia có chương trình tên lửa đang phát triển như Iran và Triều Tiên mà còn cả Nga.

Ukraine trong thời kỳ Liên Xô cũng có nhà máy đóng tàu duy nhất trên thế giới bên ngoài Mỹ có khả năng đóng các siêu tàu sân bay và đang trong quá trình đóng các tàu lớp Ulyanovsk có trọng lượng trên 85.000 tấn, bị loại bỏ khi Liên Xô sụp đổ. Các nhà máy đóng tàu của Ukraine đứng vào hàng có công suất lớn nhất trên thế giới, chỉ riêng Nhà máy đóng tàu Biển Đen lúc đó đang đóng hai tàu sân bay lớp Kuznetsov, bốn tàu sân bay lớp Kiev và hai tàu sân bay trực thăng lớp Moskva cùng các loại tàu chiến khác.

Cục thiết kế Antonov của Ukraine đã sản xuất một số loại máy bay phức tạp nhất trên thế giới, bao gồm máy bay lớn nhất thế giới Antonov An-225 bay lần đầu tiên vào năm 1988. Nhiều nhà máy từng là nền móng của ngành công nghiệp điện tử của Liên Xô và đã chế tạo các hệ thống từ động cơ tàu thủy đến máy bay, tên lửa. Ukraine trở thành một trong những căn cứ công nghiệp hàng đầu thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự.

Tuy có tiềm năng đáng kể, các lực lượng vũ trang của Ukraine và nói chung là ngành công nghiệp của Ukraine đã suy giảm trong ba thập kỷ do tham nhũng nghiêm trọng và quản lý yếu kém. Nước này thực hiện một số vụ mua bán vũ khí trong những năm 1990 và trở thành nguồn cung cấp công nghệ cao cấp giá rẻ hàng đầu cho Triều Tiên, Iran và đặc biệt là Trung Quốc, từ tên lửa hành trình, xe bọc thép đến phòng không và công nghệ vũ trụ.

Mặc dù có tiềm năng đáng kể để trở thành nhà cung cấp vũ khí dài hạn cho Trung Quốc, nhưng những thay đổi chính trị ở Ukraine đã khiến nước này nhanh chóng rơi vào tầm ảnh hưởng của phương Tây. Mỹ đã gây áp lực đáng kể để ngăn Ukraine thực hiện một số thương vụ vũ khí béo bở. Đáng chú ý nhất trong số này là việc bán máy bay ném bom Tu-160 cho Trung Quốc, có thể sẽ đi kèm với các hợp đồng hiện đại hóa và tân trang, hợp đồng chuyển giao công nghệ cho các tên lửa phóng từ trên không và thậm chí có thể hỗ trợ lâu dài để sản xuất máy bay ném bom có khả năng tương tự ở Trung Quốc.

Tu-160 được nhiều người coi là máy bay ném bom có năng lực nhất trên thế giới vào thời điểm đó, và áp lực của phương Tây đối với Ukraine cuối cùng đã buộc Kiev phải loại bỏ các máy bay được đánh giá cao của mình và bán một phần trong số chúng cho Nga.

Xu hướng tương tự có thể thấy trong ngành đóng tàu Ukraine, với sự can thiệp của phương Tây gây khó khăn đáng kể cho nỗ lực của Ukraine trong việc bán tàu sân bay lớp Kuznetsov đã hoàn thiện một phần cho Trung Quốc. Điều này buộc Trung Quốc phải mua con tàu thông qua một công ty tư nhân với giá chỉ 20 triệu USD, chấm dứt triển vọng chuyển giao công nghệ sinh lợi và các hỗ trợ khác vốn có lợi cho cả hai bên.

Những nỗ lực biến Ukraine trở thành nhà sản xuất xe tăng chiến đấu chính cuối cùng vẫn không thành công, mặc dù họ cố gắng theo đuổi chương trình cải tiến xe tăng T-80 của Liên Xô, nâng cấp theo chương trình mang tên T-84 Oplot.

Thái Lan đặt hàng xe tăng T-84 vào đầu những năm 2010, phần lớn là do áp lực của phương Tây yêu cầu nước này không mua xe tăng T-90 tiên tiến hơn và chi phí bảo trì thấp hơn từ Nga, mặc dù Ukraine không đáp ứng được đầy đủ các điều khoản trong hợp đồng. Việc này không chỉ khiến Bộ Quốc phòng Thái Lan chấm dứt kế hoạch mua sắm mà còn ngăn cản các khách hàng tiêm năng khác, nghĩa là ngành công nghiệp xe tăng của Ukraine chết dần chết mòn trong những năm sau đó.

Khủng hoảng kinh tế khiến ngay trong nước cũng không có chiếc T-84 nào được đưa vào phục vụ. Hậu quả là hầu hết các đơn vị xe tăng của Ukraine đều phải dựa trên nền tảng T-64 cũ kỹ kế thừa từ Liên Xô. Nền tảng T-80 tạo thành các đơn vị tinh nhuệ. Việc T-64 tỏ ra cực kỳ kém cỏi khi chiến đấu với lực lượng ly khai trong nước, dù được nâng cấp hệ thống giáp bảo vệ mới nhất, phản ánh sự kém cỏi của công nghiệp quốc phòng Ukraine.

Các lực lượng vũ trang của Ukraine ngày nay, vốn ngày càng phụ thuộc vào viện trợ của phương Tây, đã bắt đầu tính đến việc mua các phần cứng cũ đã lỗi thời của Mỹ và có thể sớm dựa vào các máy bay huấn luyện hạng nhẹ của Trung Quốc.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.