Bị dằm đâm vào chân, bé trai nguy kịch

Bị dằm đâm vào chân, bé trai nguy kịch
Chỉ một ngày sau khi bị dằm gỗ ghim vào chân, bé Hải ở Bà Rịa - Vũng Tàu lên cơn đau đầu dữ dội, đau họng, tri giác lơ mơ.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM, bệnh nhi sốt cao, thi thoảng lên cơn co giật, không nuốt được thức ăn, cơ chân và cột sống đơ cứng. Vị trí mảnh dằm ghim vào chân sưng to, có dấu hiệu nhiễm trùng.

Nghi ngờ uốn ván, các bác sĩ đã thực hiện những xét nghiệm và kết quả không ngoài dự đoán. Bệnh nhân lập tức được điều trị theo phác đồ có thể kéo dài hàng tháng.

Người nhà bệnh nhân cho biết, vết thương ở chân của Hải nhỏ đến mức không khiến gia đình nghĩ sẽ gây hại cho bé. "Nó chỉ là một vết thương bé xíu do mảnh gỗ như mảnh xương cá nhỏ gây nên", phụ huynh cho bác sĩ biết.

 Nhiều bệnh nhân uốn ván nguy kịch chỉ vì vết thương nhỏ. Ảnh: Thiên Chương
Nhiều bệnh nhân uốn ván nguy kịch chỉ vì vết thương nhỏ. Ảnh: Thiên Chương.

Tuy nhiên cũng theo người nhà bệnh nhân, những triệu chứng bất thường xảy ra rất nhanh. Chỉ một ngày sau khi xóc dằm, bé bắt đầu than đau đầu, đau hàm, không nuốt được thức ăn. Một ngày sau nữa, bé đi đứng khó khăn và bắt đầu mê man.

Bác sĩ Lâm Minh Yến, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM cho biết, vi trùng uốn ván vốn có trong đất cát, nếu tay tiếp xúc với vi trùng rồi chạm vào vết thương hoặc dùng tăm có dính vi trùng rồi xỉa răng sâu vẫn có thể mắc bệnh.

"Tất cả các vết thương lớn nhỏ, do bất cứ vật bằng kim loại, gỗ, nhựa đều có thể là 'cánh cửa' để vi trùng uốn ván Clostridium tatani xâm nhập vào cơ thể. Quan niệm chỉ có những vật bằng kim loại như đạp đinh, bị kẽm gai cào mới bị bệnh uốn ván là hoàn toàn sai", bác sĩ Yến nói.

Cũng theo bà Yến, thông thường những vết thương nhỏ như trầy và loét chân răng thường bị bỏ qua, song lại gây bệnh nhiều hơn những vết thương lớn. Hiện tại, cách phòng bệnh hữu hiệu nhất vẫn là tiêm phòng. Tiêm phòng uốn ván chi phí không cao, tuy nhiên để mắc bệnh thì chi phí có thể lên đến 50 triệu đồng.

"Nên tiêm phòng trước khi có vết thương, gồm 3 mũi và đến sau mũi thứ 2 thì kháng thể phòng bệnh mới được sinh ra. Trong trường hợp có vết thương rồi mới tiêm thì hiệu quả phòng bệnh không cao. Đó là chưa kể việc tiêm văcxin lúc này ở dạng kháng thể còn có thể gây biến chứng", bà Yến khuyến cáo.

Theo Thiên Chương
Ngoisao.net

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.