Bĩ cực vì... bột nở

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trước Tết ít ngày, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng nguy ngập chưa từng có với dấu hiệu lớn nhất khi nhiều doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản lớn "tê liệt”, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn.

Nguyên nhân chính vẫn là doanh nghiệp đứt gãy tài chính, không có dòng tiền vào để đảm bảo cân đối thu chi vì không bán được hàng, không có tín dụng từ ngân hàng bơm vào để hoàn thiện dự án. Đồng thời, doanh nghiệp đứng trước một khối nợ khổng lồ trái phiếu đáo hạn...

Đã hai quý vừa qua, sự u ám của thị trường như “ngưng đọng” tù túng và đẩy doanh nghiệp vào cơn bĩ cực khi thực tế tại rất nhiều dự án ảm đạm, không còn cảnh bán mua. Trên các nền tảng quảng cáo facebook, google, tiktok... cũng lặng như tờ vì khách hàng có tiền ưa lướt sóng đã cạn tiền. Thanh khoản rơi vào trạng thái yếu chưa từng có, nhu cầu mua tụt xuống chạm đáy. Các “ông lớn” tên tuổi lẫy lừng liên tục đứng trước sức ép không có tiền hoàn thiện dự án, không bán được hàng để lấy tiền chi trả lãi ngân hàng, lãi trái chủ, chi phí lương cho cán bộ, nhân viên.

Bĩ cực vì... bột nở ảnh 1

Tác giả Khánh Huyền

Trước Tết Nguyên đán, người ta ái ngại kể với nhau việc tập đoàn này sa thải 20% -40% lao động nhân sự toàn bộ phận hay tập đoàn kia không chỉ giảm mạnh nhân sự mà còn cắt giảm tới 40% lương mỗi cá nhân. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn có tiền chi trả lương đã là mừng. Sau Tết, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh nợ lương, nợ ngân hàng, bị trái chủ lên án, nguy cơ rơi vào nhóm nợ xấu sẽ bị nhà băng siết nợ.

Liên tục họp, liên tục xoay xở, gạn lọc để tìm cách có nguồn tiền là tình cảnh chung của hàng trăm doanh nghiệp bất động sản trên cả nước. Giải pháp chung của nền kinh tế đã có gói hỗ trợ, trong đó có chờ chính sách, chờ tín dụng ngân hàng “mở bát”. Còn giải pháp riêng cho doanh nghiệp là phải tự cứu mình. Nhân sự cấp cao một tập đoàn bất động sản kể, các thành viên Ban điều hành phải rốt ráo tìm đối tác để bán bớt dự án lấy tiền trả nợ. Thậm chí có tập đoàn lớn phải đắng lòng bán đi dự án đẹp như mơ để có tiền trang trải. “Rất nhiều dự án được định giá trên trời, nay có khi rớt xuống còn 30% hay thấp hơn cũng phải bán. Nếu không có tiền trả nợ, doanh nghiệp sẽ đứng cả trước nguy cơ pháp lý”, một lãnh đạo ngành chia sẻ.

Hơn 700 ngàn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phải đáo hạn trong năm 2023 và 2024, chiếm một tỷ lệ lớn trong số đó là tên tuổi một số doanh nghiệp bất động sản lớn. Động lực giúp thị trường vượt cơn bĩ cực lúc này, theo các chuyên gia, căn bản vẫn phải là có một nguồn lực tài chính đổ vào. Ngoài trông chờ vào tín dụng được mở, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) dự báo là điều đã và sẽ diễn ra. Và khi đó, thị trường sẽ xuất hiện một lớp "chủ sở hữu" mới, đúng như đáp án của mỗi cơn khủng hoảng theo chu kỳ của thị trường này. "Tất cả đều bắt nguồn từ việc các doanh nghiệp đã không kiểm soát được lòng tham... "bột nở" quá nhanh", như lời một ông chủ doanh nghiệp nói.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.